Sunday, October 7, 2012

Hermann Göring

Hermann Göring

Hermann Göring
Göring at the Nuremberg Trials
Göring at the Nuremberg Trials
Nhiệm kỳ 30 August 1932 – 24 April 1945
Tiền nhiệm Paul Löbe
Kế nhiệm none
Nhiệm kỳ 10 April 1933[1] – 24 April 1945
Tiền nhiệm Franz von Papen
Kế nhiệm Prussia abolished
Nhiệm kỳ 1935 – 1945
Tiền nhiệm Adolf Hitler
Kế nhiệm Prussia abolished
Nhiệm kỳ March 1933 – April 1945
Tiền nhiệm Position established
Kế nhiệm Robert Ritter von Greim
Nhiệm kỳ July 1934 – April 1945
Tiền nhiệm Position established
Kế nhiệm N/A
Đảng National Socialist German Workers' Party (NSDAP) (1922–1945)
Sinh 12 tháng 1, 1893[2]
Rosenheim, Kingdom of Bavaria, German Empire
Mất 15 tháng 10, 1946 (53 tuổi)[3]
Nuremberg, Germany
(Suicide by poison)
Tôn giáo Lutheran
Chữ ký Hermann Göring Signature.svg
Vợ hay chồng
Con cái Edda Göring
Hermann Wilhelm Göring (12 tháng 1 năm 1893 - 15 tháng 10 năm 1946), là một chính trị gia người Đức, một chỉ huy quân sự và là một trong những người đứng đầu Đảng Đức Quốc xã.
Trong một thời gian dài, Göring được coi là nhân vật Số 2 của Đức Quốc xã, chỉ sau Adolf Hitler. Ông là Lãnh tụ Lực lượng SA (1923), Chủ tịch Nghị viện (1932-1933), Chỉ huy trưởng Mật vụ Đức (1934-1936), Bộ trưởng Hàng không kiêm Tư lệnh Không quân (1935-1945), Bộ trưởng Đặc mệnh Toàn quyền Cơ quan Kế hoạch Bốn năm (1936), được chỉ định là người kế vị Lãnh tụ khi Hitler chết (1941), người duy nhất mang quân hàm cao nhất của Quốc xã: Thống chế Đế chế (Reichsmarschall des Großdeutschen Reiches) năm 1941.

Mục lục

Bước khởi đầu

Göring là một trong những anh hùng quân đội nổi tiếng trong Thế chiến thứ nhất, chỉ huy một phi đội máy bay chiến đấu, được ban thưởng Huân chương Pour le Mérite cao quý nhất của Vương quốc Phổ. Sau chiến tranh, Göring cảm thấy khó trở lại đời sống dân sự yên bình. Trong một thời gian, ông là phi công vận tải ở Đan Mạch và sau đấy ở Thụy Điển. Hermann Göring đã đến München một thời gian sau chiến tranh để theo học kinh tế tại Đại học München. Göring gặp Adolf Hitler năm 1921, bị Hitler cuốn hút gia nhập Đảng Quốc xã, hào phóng đóng góp tài chính cho đảng (và cho cá nhân Hitler), trút mọi năng lượng không mệt mỏi vào việc tổ chức lực lượng "Quân Áo nâu" SA và năm sau, 1922, được cử chỉ huy lực lượng này.
Trong vụ Bạo loạn Nhà hàng bia, Göring bị một vết thương nặng, được sơ cứu rồi được đưa đi trốn lánh ở Áo. Ông đi đến Thụy Điển năm 1923, được chữa khỏi chứng nghiện ma túy, và làm việc cho một công ty máy bay của Thụy Điển.

Giúp Quốc xã nắm chính quyền

Göring trở về Đức vào cuối năm 1927, sau đợt ân xá chính trị. Ông ngụ trong một căn hộ nhỏ ở Berlin (người vợ bị chứng động kinh mà ông yêu sâu đậm mắc thêm bệnh lao và phải lưu lại Thụy Điển), làm việc cho các công ty máy bay và hãng hàng không Lufthansa của Đức, đồng thời mở rộng mối quan hệ xã hội. Trong các quan hệ rộng rãi, có cựu Thái tử và Hoàng thân Philip của Hesse, (có vợ là Công chúa Mafalda, con gái của vua nước Ý), Fritz Thyssen và những đại gia thương mại khác, và một số sĩ quan quân đội cấp cao.
Đấy là những mối quan hệ mà Hitler cần nhưng không được quen biết. Chẳng bao lâu, Göring tích cực giới thiệu người bạn của mình với bạn bè của ông. Vào năm 1928, Hitler chọn Göring là một trong 12 người đại diện cho Quốc xã trong Nghị viện. Đến năm 1932 khi Quốc xã là đảng đứng đầu, Göring được bầu làm Chủ tịch Nghị viện.
Ngày 30 tháng 1 năm 1933, Hitler được bổ nhiệm thủ tướng. Trong nội các của Hitler (1933), Quốc xã chỉ có 3 trong số 11 chức vụ, lại không phải ở vị trí chủ chốt ngoại trừ chức thủ tướng. Göring là Quốc vụ khanh, với kế hoạch là ông sẽ làm Bộ trưởng Hàng không một khi Đức có không quân. Ít ai để ý đến việc Göring cũng là Bộ trưởng Nội vụ của Phổ, cơ quan chỉ huy cảnh sát Phổ. Nội các của Hitler thiếu đa số, vì thế, Göring đề xuất giải tán Nghị viện, tổ chức tổng tuyển cử mới, và Hitler đồng ý. Kỳ tổng tuyển cử mới được ấn định vào ngày 5 tháng 3.
Phớt lờ sự kiềm chế của Franz von Papen, người giữ chức vụ Thủ tướng Phổ và là cấp chỉ huy trực tiếp, Göring bãi nhiệm hàng trăm công nhân viên Cộng hòa và thay thế bằng người của Quốc xã, phần lớn là sĩ quan SA và SS. Ông chỉ thị cho cảnh sát "bằng bất cứ giá nào" phải tránh thù địch với SA, SS và đội quân cựu chiến binh Stahlhelm, nhưng không nhân nhượng với kẻ tỏ ra "thù địch với Nhà nước." Ông thúc giục cảnh sát "sử dụng vũ khí" và cảnh cáo sẽ trừng phạt ai không tuân lệnh. Đây là lời kêu gọi thẳng thừng đưa ra cho lực lượng cảnh sát của Phổ chiếm hai phần ba nước Đức: phải bắn bỏ tất cả những ai chống đối lại Hitler. Để đảm bảo công tác này được thi hành một cách quyết liệt, ngày 22 tháng 2 Göring thành lập một lực lượng cảnh sát bổ sung gồm 50.000 người, trong số này có 40.000 rút ra từ các đội quân SA và SS. Vì thế, lực lượng cảnh sát của Phổ phần lớn là do những phần tử bất hảo của Quốc xã chi phối. Sẽ là việc làm thiếu suy nghĩ nếu yêu cầu "cảnh sát" như thế bảo vệ chống sự khủng bố của Quốc xã.
Ngày 24 tháng 2, lực lượng cảnh sát của SS khám xét trụ sở trung ương của Đảng Cộng sản ở Berlin. Tòa nhà đã bị bỏ hoang vài tuần vì các nhà lãnh đạo đảng đã bỏ đi hoạt động bí mật hoặc âm thầm lẻn sang Nga. Nhưng hàng đống tờ bướm tuyên truyền vẫn còn được để lại ở tầng hầm, đủ để Göring ra một thông cáo chính thức nói rằng "tài liệu" tịch thu được chứng tỏ Cộng sản sắp tung ra một cuộc cách mạng. Công chúng và ngay cả vài người bảo thủ trong chính quyền tỏ ra nghi ngờ. Hiển nhiên là phải cần chuyện gì đấy gây chấn động lớn hơn nhằm khích động cho quần chúng hoảng loạn trước cuộc đầu phiếu ngày 5 tháng 5.

Vụ hỏa hoạn ở Tòa nhà Nghị viện

Vào buổi tối 27 tháng 2 năm 1933, tòa nhà Nghị viện bị cháy. Göring vã mồ hôi, thở hào hển và kích xúc tột độ, chạy đến tuyên bố: "Đây là tội phạm của Cộng sản chống lại chính phủ mới." Ông thét lên với chỉ huy trưởng mới của Mật vụ, Rudolf Diels: "Đây là bước khởi đầu của cách mạng Cộng sản! Ta không nên chờ đợi phút nào nữa. Ta không nên dung thứ. Tìm ra được tên Cộng sản nào là phải bắn ngay. Tối nay phải bắt giữ tất cả đại biểu Nghị viện của Cộng sản."
Có lẽ không bao giờ người ta biết được tất cả sự thật về vụ cháy tòa nhà Nghị viện. Hầu như tất cả những người biết về vụ này giờ đã chết, phần lớn bị Hitler hạ sát trong những tháng kế tiếp. Ngay cả Tòa án Nürnberg vẫn không thể vén hoàn toàn bức màn bí ẩn. Tuy nhiên, có đủ chứng cứ hợp lý cho thấy chính Quốc xã đã lên kế hoạch và tạo ra đám cháy nhằm phục vụ mưu đồ chính trị của họ.
Có một đường hầm để chứa hệ thống sưởi trung tâm chạy từ Dinh Chủ tịch Nghị viện đến tòa nhà Nghị viện. Chính qua đường hầm này mà Karl Ernst dẫn một toán SA để đi đến tòa nhà Nghị viện. Ở đây, họ tưới xăng và hóa chất tự cháy rồi chạy trở về nơi xuất phát. Cùng lúc này, một đảng viên Cộng sản khù khờ người Hà Lan tên Marinus van der Lubbe lẻn vào tòa nhà rộng lớn, tối tăm rồi tự tay nhóm lên vài đốm lửa nhỏ. Con người ngốc nghếch thích trò điên rồ với lửa này là món quà trời cho của Quốc xã. Vài ngày trước, binh sĩ SA đã tóm được anh ta sau khi nghe anh ta khoe khoang trong một quán rượu rằng đã đốt vài tòa nhà chính phủ và rằng kế tiếp sẽ đốt tòa nhà Nghị viện.
Thế là có sự trùng hợp ngẫu nhiên khi Quốc xã tìm ra được kẻ tội phạm Cộng sản loạn trí dự tính làm đúng việc mà chính họ cũng quyết tâm làm. Điều này nghe có vẻ khó tin, nhưng có chứng cứ. Ý tưởng gây đám cháy hầu như chắc chắn xuất phát từ Paul Joseph Göbbels và Göring. Một nhân viên trong Bộ Nội vụ Phổ lúc bấy giờ là Hans Bernd Gisevius khai trước Tòa án Nürnberg rằng "chính Göbbels là người đầu tiên nghĩ đến việc đốt cháy tòa nhà Nghị viện." Chỉ huy trưởng Mật vụ Rudolf Diels viết ra trong một tờ cung khai rằng "Göring đã biết chính xác đám cháy bộc phát như thế nào" và ra lệnh cho anh ta "trước khi đám cháy xảy ra, phải chuẩn bị một danh sách những người sẽ bắt giữ lập tức." Tướng Franz Halder, Tham mưu trưởng Lục quân trong những ngày đầu của Thế chiến thứ hai, khai trước Tòa án Nürnberg về một trường hợp Göring đã khoe về thành tích của mình:
Trong bữa ăn trưa nhân sinh nhật của Lãnh tụ năm 1942, câu chuyện chuyển qua đề tài tòa nhà Nghị viện và giá trị nghệ thuật của nó. Khi Göring chen vào câu chuyện, chính tai tôi nghe ông ấy nói lớn: "Người duy nhất thật sự biết về Nghị viện là tôi, bởi vì chính tôi đã đốt cháy nó!"
Nhưng khi được lấy khẩu cung và khi ra trước phiên tòa Nürnberg, Göring đều nhất mực phủ nhận việc can dự vào vụ cháy tòa nhà Nghị viện.
Một ngày sau vụ cháy tòa nhà Nghị viện, chính quyền Phổ ra một thông cáo là đã tìm ra "tài liệu" cho thấy:
Các tòa nhà chính phủ, bảo tàng, biệt thự và xí nghiệp thiết yếu sẽ bị đốt rụi... Phụ nữ và trẻ em sẽ bị lùa đi phía trước các nhóm khủng bố... Việc đốt tòa nhà Nghị viện là dấu hiệu cho một cuộc nổi dậy và nội chiến đẫm máu... Khắp nước Đức sẽ có hành động khủng bố nhắm vào người, vào tài sản cá nhân, vào cuộc sống của dân cư, và cũng là sự khởi đầu của nội chiến toàn diện.
Nhà nước hứa sẽ công bố "tài liệu minh chứng âm mưu của Cộng sản", nhưng không bao giờ thực hiện. Tuy nhiên, sự kiện là chính quyền Phổ đã xác định rõ âm mưu gây ấn tượng mạnh cho nhiều người Đức.
Ngày 3 tháng 3, tại Frankfurt, một ngày trước khi cử tri đi bỏ phiếu, Göring hô hào: "Hỡi đồng bào Đức, những biện pháp của tôi sẽ không bị lý lẽ tố tụng kiềm chế... Tôi không phải lo ngại về công lý; nhiệm vụ của tôi chỉ là phá hủy và tận diệt, không có gì khác!... Tôi chắc chắn sẽ hành xử quyền hạn của Nhà nước và cảnh sát đến mức tối đa, vậy thì người Cộng sản đừng trông mong gì khác ngoại trừ cuộc đấu tranh sinh tử..."
Vào giữa mùa hè 1933, von Papen mất chức Thống đốc Bang Phổ, và Göring thay thế.

Thanh trừng đẫm máu

Đầu năm 1934, trong nội bộ Đảng Quốc xã nổi lên một cuộc tranh giành quyền lực mới không khoan nhượng. Göring và Heinrich Himmler cùng liên kết với nhau để chống lại Ernst Julius Röhm, là Tham mưu trưởng Lực lượng SA. Ngày 1 tháng 4, Göring bổ nhiệm Himmler làm chỉ huy Mật vụ của Bang Phổ. Himmler lập tức gây dựng một lực lượng cảnh sát bí mật. Göring đã được phong hàm đại tướng, vui vẻ thay bộ đồng phục lôi thôi mầu nâu của SA để tròng vào bộ quân phục oai vệ của đại tướng. Sự thay đổi tạo biểu tượng mới: với cương vị là tướng lĩnh và là thành viên của giai cấp quân sự, ông nhanh chóng ngả theo phe quân đội để chống lại Röhm và lực lượng SA. Để tự bảo vệ trong cuộc chiến đấu hoang dại, Göring cũng thành lập một lực lượng cảnh sát cho riêng cá nhân mình, với đội ngũ lên đến vài ngàn người.
Bản thân Göring và Himmler đều có tham vọng riêng và có ý định thanh trừng đám SA, quét sạch các đối thủ ở cánh tả lẫn cánh hữu, kể cả những người lúc trước chống đối Hitler nhưng bây giờ không còn hoạt động.
Tuy vậy, trong tuần lễ cuối của tháng 6, Hitler vẫn còn do dự – ít nhất vì không biết phải quyết liệt đến mức nào đối với các chỉ huy của SA vốn đã tận tình phục vụ ông trong thời gian qua. Nhưng bây giờ, Göring và Göbbels giúp ông quyết định được dễ dàng hơn. Họ đã liệt kê những ân oán cần giải quyết, những kẻ thù hiện tại và quá khứ cần thanh trừng. Họ chỉ cần thuyết phục Lãnh tụ là có một "âm mưu" chống lại ông nên cần có hành động nhanh chóng và quyết liệt. Theo lời khai trước Tòa án Nürnberg của Wilhelm Frick, Bộ trưởng Nội vụ và là một trong những phụ tá trung thành nhất của Hitler, Himmler rốt cuộc đã thuyết phục được Hitler. Sau đấy, Himmler nhận lệnh ra tay ở Bayern, còn Göring được chỉ thị hành động ở Berlin.
Sau này, Hitler kể rằng cho đến lúc ấy, ngày 19 tháng 6, ông chỉ quyết định "cách chức Tham mưu trưởng [Röhm] rồi giam ông này tạm thời, bắt giữ một số chỉ huy có tội rõ ràng... và kêu gọi những người khác quay lại với nhiệm vụ." Trước Nghị viện ngày 13 tháng 7, Hitler kể lại:
"Tuy nhiên,... vào lúc 1 giờ sáng tôi nhận được hai tin khẩn từ Berlin và München. Tin đầu tiên từ Berlin... lúc 5 giờ chiều cuộc tấn công bất ngờ sẽ bắt đầu; các tòa nhà chính phủ sẽ bị chiếm đóng... Tin thứ hai từ München... lực lượng SA đã được lệnh tập trung lúc 9 giờ tối... Đấy là phản loạn!... Trong tình huống như thế, tôi chỉ có một quyết định... Chỉ có cách can thiệp kiên quyết và sẵn sàng đổ máu mới có thể trấn áp sự phát tán mầm phản loạn..."
"Vào lúc 2 giờ sáng, tôi bay đi München."
Hitler không bao giờ tiết lộ ai đã gửi hai "tin khẩn" nhưng ngụ ý đấy là Göring và Himmler. Điều chắc chắn là những tin báo này đều quá xa sự thật.
Không bao giờ người ta biết chính xác bao nhiêu người bị sát hại. Hitler thông báo có 61 người bị bắn, kể cả 19 "lãnh đạo SA cấp cao," thêm 13 người chết vì "chống lại lệnh bắt giữ: và 3 người "tự tử" – tổng cộng 77 người. Di dân ở Paris xuất bản một quyển sách cho biết có 401 người bị giết, nhưng chỉ có thể kể tên 116 người. Trong phiên tòa năm 1957, con số được đưa ra là "hơn 1000."

Tái lập Không quân

Göring tất bật trong hai năm 1933-1934 để lo gây dựng Không quân. Với tư cách là Bộ trưởng Hàng không – được hiểu là Hàng không Dân dụng – ông đặt hàng cho các cơ xưởng thiết kế máy bay chiến đấu. Việc đào tạo phi công quân sự được bắt đầu ngay dưới lốt ngụy trang Liên đoàn Bay Thể thao.
Trong lời khai trước Tòa án Nürnberg, Göring hãnh diện nói về những cơ hội mà cuộc Nội chiến Tây Ban Nha tạo ra để thử nghiệm "Không quân mới của tôi. Với sự đồng ý của Lãnh tụ, tôi gửi một lượng lớn máy bay vận tải và một số phi đội máy bay chiến đấu; và theo cách này tôi có cơ hội thử nghiệm trong điều kiện tác chiến... Để binh sĩ học hỏi kinh nghiệm..., tôi liên tục luân phiên gửi người mới và gọi người cũ trở về."
Ngày 10 tháng 3 năm 1935, Đức thả bong bóng thăm dò phía Đồng minh. Göring mời một nhà báo nước ngoài đến chính thức thông báo điều mà cả thế giới đã biết: Đức có Không quân.

Hạ bệ Tổng Tham mưu trưởng Quân lực

Hôn lễ giữa Thống chế Werner Eduard Fritz von Blomberg, Tổng Tham mưu trưởng Quân lực, và thư ký Erna Gruhn của ông diễn ra ngày 12 tháng 1 năm 1938. cả Hitler và Göring đến dự như là người chứng. Vừa khi hai vợ chồng đi hưởng tuần trăng mật ở Ý thì cơn bão ập đến. Ban đầu, chỉ có lời đồn đại. Tại tổng hành dinh Cảnh sát Berlin, khi kiểm chứng các lời đồn đại một thanh tra tìm gặp một hồ sơ ghi "Erna Gruhn". Cảm thấy kinh hoàng, ông mang hồ sơ này đến Bá tước Chỉ huy trưởng Helldorf. Vị bá tước, trước kia là sĩ quan lực lượng tự do và SA-SS, cũng cảm thấy kinh hoàng. Hồ sơ cho thấy cô vợ của Thống chế Tổng Tham mưu trưởng Quân lực bị cảnh sát ghi sổ là gái mại dâm và đã từng bị kết tội làm mẫu cho chụp ảnh khiêu dâm.
Đáng lẽ nhiệm vụ của Helldorf là trình hồ sơ lên thủ trưởng của ông là Himmler, Chỉ huy trưởng Cảnh sát Đức. Nhưng tuy là đảng viên Quốc xã hăng hái, khi xưa Helldorf là sĩ quan quân đội và đã hấp thu truyền thống của quân đội. Ông biết Himmler đang có mâu thuẫn với cấp chỉ huy quân đội nên sẽ dùng hồ sơ để hăm dọa vị Thống chế. Thế là Helldorf thu can đảm để trình hồ sơ lên Tướng Keitel, cho rằng ông này sẽ dàn xếp để quân đội giải quyết cho êm thấm và báo cáo cho Blomberg biết vụ việc. Nhưng Keitel, người kiêu căng và đầy tham vọng, không muốn gây rủi ro cho sự nghiệp của mình khi dây dưa vào Quốc xã và SS. Vì thế, thay vì chuyển hồ sơ cho Tướng Tư lệnh Lục quân Fritsch, ông trả lại hồ sơ cho Helldorf, đề nghị ông này báo cáo với Göring.
Không ai vui mừng hơn Göring khi nhận được tập hồ sơ này, vì đương nhiên Blomberg phải ra đi, và Göring kỳ vọng sẽ tiếp nhiệm làm Tổng Tham mưu trưởng Quân lực – chức vụ mà ông đã ngấp nghé từ lâu. Ngày 25 tháng 1, Göring mang tập hồ sơ đến trình cho Hitler xem, và Lãnh tụ nổi cơn giận dữ. Thống chế của ông đã lừa dối ông, và còn làm cho ông trở thành trò hề khi mời ông đến làm nhân chứng trong lễ cưới. Ngày 25 tháng 1, Hitler cách chức Blomberg.
Bộ quân phục Thống chế của Göring tại Bảo tàng Không quân Đức.
Có người tin rằng Göring đã cố tình đẩy Blomberg vào cuộc hôn nhân với người phụ nữ mà ông đã biết rõ quá khứ hầu ông có đường đi lên. Dù cho đấy là sự thật, Blomberg vẫn không biết, vì trong buổi gặp gỡ giã từ Hitler ngày 27 tháng 1 ông đề xuất Göring lên thay thế ông. Tuy nhiên, Lãnh tụ hiểu rõ Göring hơn bất kỳ ai khác: quá đam mê lạc thú, thiếu nhẫn nại, không chuyên cần. Hitler nắm luôn chức Tổng Tham mưu trưởng Quân lực của Blomberg. Để xoa dịu Göring, vốn đã tự tin sẽ thay thế Blomberg, Hitler thăng Göring lên Thống chế.

Hạ bệ Tư lệnh Lục quân

Ngày 25 tháng 1, ngày mà Göring cho Hitler xem tập hồ sơ của cảnh sát về cô vợ của Blomberg, Göring cũng trình ra một tài liệu còn khủng khiếp hơn. Tài liệu này do Himmler cung cấp cùng phụ tá chính, Heydrich, chỉ huy SD tức Ban An ninh của SS. Tài liệu cho thấy rằng Tướng Tư lệnh Lục quân Werner Freiherr von Fritsch phạm tội đồng tính luyến ái chiếu theo Điều 175 của luật hình sự Đức, và rằng ông đã chi trả cho một cựu tù nhân tống tiền ông từ năm 1935 để làm êm thấm vụ việc. Các chứng cứ của Mật vụ xem dường rõ ràng đến nỗi Hitler tin vào lời cáo buộc. Ông ra lệnh cho Fritsch nghỉ phép vô thời hạn, đồng nghĩa với việc ngưng chức Tư lệnh Lục quân.

Biến cố Đêm Thủy tinh

Đêm ngày 9 rạng sáng ngày 10 tháng 11, một đợt giết chóc tệ hại xảy ra trên toàn nước Đức. Giáo đường, nhà ở và cửa hàng của người Do Thái bị đốt cháy, một số đàn ông, phụ nữ và trẻ em Do Thái bị sát hại trong khi cố thoát ra khỏi ngọn lửa. Heydrich nộp một báo cáo mật sơ khởi cho Göring ngày hôm sau.
815 cửa hàng bị phá hủy, 171 nhà ở bị cháy hoặc phá bủy... 119 giáo đường bị đốt, 76 giáo đường khác bị phá hủy... 20.000 người Do Thái bị bắt. 36 người chết, 36 bị thương nặng. Những người chết và bị thương là Do Thái.
Số người Do Thái bị sát hại đêm ấy được cho là nhiều lần cao hơn con số ban đầu. Chính Heydrich một ngày sau khi nộp báo cáo đã cho con số cửa hàng Do Thái bị phá phách là 7.500.
Ai sẽ trả 25 triệu Mác cho thiệt hại gây ra trong vụ phá phách do Nhà nước xách động và tổ chức là vấn đề nghiêm túc đối với Göring, người bây giờ có trách nhiệm cho nền kinh tế của Quốc xã. Người đại diện cho các công ty bảo hiểm vạch ra rằng nếu không chi trả đúng theo hợp đồng, ngành bảo hiểm của Đức sẽ mất uy tín cả trong và ngoài nước. Mặt khác, nếu các công ty bảo hiểm nhỏ chịu trả thì họ sẽ phá sản.
Göring giải quyết vấn đề một cách chóng vánh. Các công ty bảo hiểm sẽ chi toàn bộ cho người Do Thái, nhưng Nhà nước sẽ tịch thu các khoản tiền này và hoàn trả một phần cho các nhà bảo hiểm.
Một đại diện của Bộ Ngoại giao dám tham mưu rằng cần để ý đến dư luận quần chúng Mỹ khi có biện pháp khác đối với người Do Thái. Göring quát lên: "Đất nước của bọn côn đồ!... Đất của găngxtơ!"
Sau cuộc thảo luận kéo dài, người Đức đồng ý giải quyết vấn đề Do Thái theo cách sau: loại trừ người Do Thái ra khỏi nền kinh tế của Đức; chuyển mọi cơ sở kinh doanh và tài sản, kể cả nữ trang và tác phẩm nghệ thuật, vào tay người Aryan với ít đền bù qua trái phiếu để người Do Thái có thể sử dụng tiền lãi nhưng không thể rút tiền vốn. Một ủy ban sẽ xem sét việc loại người Do Thái ra khỏi trường học, khu nghỉ dưỡng, công viên...
Sau gần 4 tiếng đồng hồ hội họp, Göring đúc kết: "Tôi kết thúc buổi họp với lời như thế này: để trừng phạt những tội ác ghê tởm, người Do Thái ở Đức sẽ phải đóng góp một tỉ Mác. Như thế là đủ. Bọn chó má sẽ không dám gây một vụ ám sát nào nữa."

Chuẩn bị chiến tranh

Tháng 9 năm 1936, Đức bắt đầu Kế hoạch Bốn năm và chuyển qua nền kinh tế toàn diện cho chiến tranh. Dù dốt nát về kinh tế ngang bằng với Hitler, tháng 9 năm 1936 Göring nhận chức vụ Bộ trưởng Đặc mệnh Toàn quyền cho Kế hoạch Bốn năm nhằm giúp Đức tự lực tự cường trong 4 năm
Khi thời gian Quốc xã cầm quyền sắp tròn 4 năm, ngày 17 tháng 12 năm 1936, Göring thẳng thừng xác định những gì sắp đến, trong một bài diễn văn bí mật trước giới công nghiệp và quan chức cao cấp:
Cuộc chiến mà ta đang đến gần đòi hỏi năng lực sản xuất khổng lồ. Không thể đặt mức giới hạn nào cho việc tái vũ trang. Chỉ có chọn lựa giữa chiến thắng hoặc hủy diệt... Ta sống vào thời khoảng mà cuộc chiến cuối cùng đang ló dạng. Ta đã đến ngưỡng tổng động viên và ta đã ở trong tình trạng chiến tranh. Chỉ còn thiếu nổ súng thật sự.
Göring và Hitler, 1939
Cuộc chiến mà Hitler đang trù định là cuộc chiến toàn diện, đòi hỏi huy động quân đội cũng như mọi nguồn lực của Đức. Để điều phối nỗ lực rộng lớn, một buổi họp Hội đồng Quốc phòng Đế chế được triệu tập ngày 23 tháng 6 năm 1939 dưới sự chủ trì của Göring. Khoảng 35 nhân vật dân sự và quân sự đến dự họp, kể cả các tướng lĩnh hàng đầu và các bộ trưởng Nội vụ, Kinh tế, Tài chính, Vận tải, cũng như Himmler. Theo tài liệu mật tịch thu được, Göring nói rõ rằng chiến tranh sắp đến gần và vẫn còn nhiều việc phải làm về nhân lực cho công nghiệp và nông nghiệp, cùng nhiều việc khác liên quan đến tổng động viên.
Göring thông báo với Hội đồng rằng Hitler dự định huy động 7 triệu người. Göring thêm rằng "sẽ điều hàng trăm nghìn công nhân từ xứ bảo hộ Tiệp Khắc làm việc dưới sự giám sát ở Đức, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, và cho họ cư ngụ trong lều trại." Hiển nhiên là chương trình lao động nô lệ của Quốc xã đang thành hình.
Sau khi Đức tấn công Ba Lan, trong bài diễn văn ngày 1 tháng 9 năm 1939, Hitler cử Göring là người sẽ kế vị ông nếu ông có mệnh hệ nào.

Can thiệp vào Trận Dunquerque

Vào ngày 10 tháng 5 năm 1940, dọc chiến tuyến 280 kilômét trải dài từ Biển Bắc đến Phòng tuyến Maginot, quân Đức tràn qua biên giới của ba quốc gia trung lập nhỏ bé Hà Lan, BỉLuxembourg. Trong vòng 5 ngày, số phận của Bỉ, Pháp và Lực lượng Viễn chinh Anh cũng được định đoạt.
Ngày 24 tháng 5 năm 1940, trận tuyến của Bỉ ở miền bắc gần sụp đổ, và ở miền nam thiết giáp Đức đánh lên từ Abberville và tiến đến Kênh Anh, chỉ cách Dunkerque hơn 20 kilômét. Bị lọt vào rọ là một tập đoàn quân Bỉ, 9 sư đoàn của Lực lượng Viễn chinh Anh và 10 sư đoàn của Tập đoàn quân 1 của Pháp. Dù địa hình về phía nam không thích hợp cho xe tăng vì có nhiều kênh mương xẻ ngang dọc và nhiều vùng ngập nước, các quân đoàn thiết giáp của Heinz Wilhelm Guderian và Reinhardt đã lập được năm đầu cầu qua Kênh Anh, và chuẩn bị cho đòn đánh nốc-ao. Cộng thêm Tập đoàn quân 6 và Tập đoàn quân 18 của Đức đang tiến xuống từ hướng đông-bắc, xem như quân Đồng minh sẽ bị đánh giữa hai gọng kìm mà tan nát.
Thình lình, vào buổi tối 24 tháng 5 có lệnh của Hitler đưa đến, mà Rundstedt và Göring ủng hộ nhưng Tư lệnh Lục quân Walther von Brauchitsch và Tham mưu trưởng Lục quân Halder phản đối quyết liệt: các lực lượng thiết giáp phải dừng lại dọc con kênh và không được tiến thêm. Göring đã can thiệp với Hitler, đề xuất là chỉ để Không quân của ông tiêu diệt quân địch đang bị bao vây!
Halder giải thích lý do cho tham vọng và đề xuất hão huyền của Göring.
"Trong những ngày kế [tức sau ngày 24 tháng 5], quyết định của Hitler chịu nhiều ảnh hưởng của Göring. Đối với nhà độc tài, sự tiến công thần tốc của Lục quân trở nên gần như nguy hiểm, mà vì thiếu huấn luyện quân sự ông không hiểu được những khả năng rủi ro và thắng lợi. Ông luôn lo lắng là tình hình có thể đảo ngược...
"Vốn nắm rõ tâm lý Lãnh tụ, Göring lợi dụng nỗi lo này. Ông đề xuất để cho Không quân tham gia phần còn lại trong trận chiến bao vây, do đó loại trừ rủi ro phải sử dụng những đơn vị thiết giáp quý báu... Ông đề xuất như thế... với một lý do vốn là đặc thù cho con người Göring đầy tham vọng một cách cẩu thả... Sau cuộc hành quân của Lục quân suôn sẻ một cách đáng ngạc nhiên cho đến lúc này, ông ấy muốn dành cho Không quân của ông vai trò cuối cùng có tính quyết định trong trận chiến vĩ đại, và qua đấy hưởng vinh quang của chiến thắng trước toàn thế giới."
Rồi Halder thuật lại lời kể của Brauchitsch sau khi ông này nói chuyện với các tướng không quân Milch và Kesselring trong nhà giam Nürnberg vào tháng 1 tháng 1946, trong đấy họ cho rằng
"vào lúc ấy, Göring vạch ra với Hitler rằng nếu chỉ có tướng lĩnh Lục quân lập công trong chiến thắng vĩ đại, uy tín của Lãnh tụ trên toàn nước Đức sẽ bị tổn hại mà không khôi phục được. Chỉ có thể tránh được điều này nếu để cho Không quân chứ không phải Lục quân thực hiện cuộc tấn công dứt điểm."
Tóm lại, khá rõ ràng là ý tưởng của Hitler – mà Göring và Rundstedt ủng hộ nhưng Brauchitsch và Halder cực lực chống đối – là để cho Không quân và Cụm Tập đoàn quân B của Bock làm nhiệm vụ quét sạch quân địch đang bị bao vây ba mặt, mặt còn lại là biển. Nhưng Không quân không thể thực hiện được nhiệm vụ này. Còn quân của Bock lúc ấy không có đơn vị thiết giáp nào đáng kể và đang chậm chạp đẩy lùi quân Bỉ và Anh ở hướng tây-nam biển Manche.
Vào buổi tối 26 tháng 5, Hitler hủy bỏ lệnh dừng quân và đồng ý rằng, xét qua tiến độ chậm chạp của Bock ở Bỉ và sự vận chuyển của binh sĩ địch khỏi bờ biển, các lực lượng thiết giáp phải tiếp tục tiến đến Dunkerque. Nhưng lúc này thì đã muộn: quân địch đã có thời giờ để gia cố tuyến phòng thủ, và sau phòng tuyến này đang tẩu thoát ra biển.
Không quân Đức nổi tiếng đang ở đâu? Một phần thời gian, họ không cất cánh được do thời tiết xấu. Trong thời gian còn lại, họ bất ngờ bị Không lực Hoàng gia Anh bay lên từ những căn cứ bên kia eo biển chống trả quyết liệt. Dù ít hơn về số lượng, máy bay Spitfire của Anh có ưu thế so với máy bay Messerschmitt của Đức, và bắn tan tác máy bay thả bom chậm chạp của Đức. Trong một ít cơ hội, máy bay Đức đến được Dunkerque vào giữa thời gian các đợt tấn công của máy bay Anh, gây hư hại cho bến cảng khiến cho trong một thời gian Anh chỉ có thể tiến hành di tản từ bãi biển. Không quân Đức cũng tấn công đoàn tàu và đánh đắm phần lớn số 243 tàu bị chìm – trong tổng số 861 tàu tham dự cuộc di tản. Nhưng Không quân Đức không thực hiện đúng lời Göring hứa với Hitler: tiêu diệt Lực lượng Viễn chinh Anh. Vào ngày 1 tháng 6, khi máy bay Đức mở cuộc không kích mạnh nhất (và chịu thiệt hại nặng nhất – mỗi bên mất 30 máy bay), đánh chìm 3 tàu khu trục Anh và một số tàu vận tải nhỏ, Anh vẫn di tản được gần 65.000 người.

Cuộc chiến trên bầu trời Anh quốc

Ngày 1 tháng 8 năm 1940, Hitler ra Chỉ thị Số 17 về việc tiến hành Chiến tranh Không quân và Hải quân chống Anh, có đoạn:
1. Không lực Đức trấn áp Không lực Anh bằng mọi cách trong khả năng của mình và phải hoàn tất càng sớm càng tốt...
2. Sau khi chiếm ưu thế trên không nhất thời hoặc cục bộ, tiến hành không kích các cảng biển, đặc biệt là những cơ sở liên hệ đến việc cung ứng thực phẩm... Không kích các cảng biển miền nam càng ít càng tốt, xét qua những cuộc hành quân mà ta dự trù...
4. Không quân chuẩn bị lực lượng sẵn sàng cho Chiến dịch Sư tử Biển.
Cùng ngày, Keitel cũng ra chỉ thị:
Tám đến mười bốn ngày sau khi phát động cuộc không kích chống Anh, dự trù bắt đầu khoảng ngày 5 tháng 8, Lãnh tụ sẽ quyết định liệu sẽ tiến công năm nay hay không; quyết định của ông phần lớn sẽ tùy thuộc vào kết quả của chiến dịch không kích...
Cuộc tổng không kích của Göring nhắm vào nước Anh bắt đầu ngày 15 tháng 8 với mục đích tiêu diệt Không lực Hoàng gia Anh và qua đấy tạo một điều kiện thuận lợi cho cuộc đổ bộ. Vị Thống chế béo phị đã tin chắc sẽ chiến thắng. Ông bảo chỉ cần mất 2 đến 4 tuần là tiêu diệt hoàn toàn Không quân Anh. Vị Tư lệnh Không quân Đức, người mang đầy mọi loại huy chương, nghĩ rằng chỉ cần Không quân Đức là đủ để hạ gục Anh quốc và cuộc đổ bộ sẽ không cần thiết.
Để đạt được mục tiêu này, ông có 3 Tập đoàn không quân: Luftflotte 2 dưới quyền Thống chế Albert Kesselring hoạt động từ Bắc Âu và miền bắc nước Pháp, Luftflotte 3 dưới quyền Thống chế Hugo Sperrle xuất phát từ miền bắc nước Pháp, và Luftflotte 5 của Đại tướng Hans-Jürgen Stumpff đặt căn cứ ở Na Uy và Đan Mạch. Luftflotte 2 và 3 có tổng cộng 929 máy bay chiến đấu, 875 máy bay thả bom và 316 máy bay tiêm kích; Luftflotte 5 thì nhỏ hơn, chỉ có 123 máy bay thả bom và 31 máy bay chiến đấu hai động cơ ME-110. Để chống lại lực lượng mạnh mẽ này, Không lực Hoàng gia Anh vào đầu tháng 8 chỉ có 700-800 máy bay chiến đấu.
Suốt tháng 7, Không quân Đức dần dần gia tăng các cuộc tấn công xuống tuyến hàng hải của Anh và các cảng biển miền nam nước Anh. Đây là cách đánh thăm dò. Dù cần thiết phải đánh dẹp tàu Anh khỏi eo biển trước khi có thể bắt đầu đổ bộ, mục đích chính của các cuộc không kích khởi đầu này là nhằm lôi cuốn chiến đấu cơ của Anh xuất trận. Họ đã thất bại. Bộ Tư lệnh Không quân Anh đã khôn ngoan không cho nhiều chiến đấu cơ cất cánh, vì thế tuyến hàng hải và các cảng biển của Anh chịu thiệt hại đáng kể. Nhưng các cuộc không kích khởi đầu khiến cho 296 máy bay Đức bị phá hủy và 135 chiếc bị hư hỏng. Phía Anh mất 148 chiến đấu cơ.
Göring ra lệnh tổng không kích ngày 13 tháng 8, mở màn là các cuộc tấn công ác liệt xuống 12 đài ra-đa của Anh, 5 đài bị hư hại và 1 bị phá hủy hoàn toàn. Tuy nhiên, người Đức vào lúc này không nhận ra tầm quan trọng của các đài ra-đa đối với Anh nên không tiếp tục tấn công. Vào hai ngày 13 và 14 tháng/8, Đức cho xuất phát khoảng 1.500 máy bay, chủ yếu nhắm xuống các căn cứ chiến đấu cơ của Anh. Dù họ cho biết đã "phá hủy hoàn toàn" 5 căn cứ, thật ra thiệt hại không đáng kể. Đức mất 47 máy bay so với 13 chiếc của Anh. Nhưng phía Đức loan báo hạ được 134 máy bay Anh và bị mất 34. Từ ngày này trở đi, cả hai bên đều thổi phòng thiệt hại họ gây cho bên kia.
Không chiến xảy ra trên diện rộng ngày 15 tháng 8. Đức phóng lên 801 máy bay ném bom và 1.149 máy bay chiến đấu. Luftflotte 5 của Đức gặp thảm họa. Bằng cách phóng 800 máy bay đến bờ biển miền nam, bên Đức nghĩ bờ biển miền đông-bắc sẽ thiếu bảo vệ. Nhưng một lực lượng gồm 100 máy bay ném bom được 34 chiến đấu cơ ME-100 bảo vệ bị 7 phi đoàn HurricaneSpitfire chặn đánh. Đức mất 30 máy bay, phần lớn là máy bay ném bom, nhưng Anh không mất chiếc nào. Sau ngày này là dấu chấm hết cho Luftflotte 5 của Đức; máy bay của đơn vị này không bao giờ trở lại bầu trời của Anh nữa.
Ở miền nam nước Anh, Đức được thành công hơn. Họ phóng ra bốn mũi tấn công tổng lực, một mũi xâm nhập gần đến London. Đức mất 75 máy bay so với 34 chiếc bên Anh. Với tỷ lệ này, dù cho chiếm ưu thế về số lượng, Đức vẫn không thể nào hy vọng tiêu diệt được Không lực Anh.
Đến đây, Göring phạm phải hai lỗi lầm về chiến thuật. Kỹ năng của Anh trong việc chỉ đạo máy bay của họ chặn đánh những đội hình máy bay Đức đông đảo hơn chủ yếu là nhờ ra-đa. Từ lúc cất cánh, máy bay Đức đã bị theo dõi trên màn hình ra-đa của Anh, và hành trình của họ được vẽ ra một cách chính xác đến nỗi bên Anh biết được nên chặn đánh họ ở đâu và lúc nào. Đây là điều mới lạ trong chiến tranh không quân và khiến cho Đức hoang mang, vì Đức kém xa Anh trong việc phát triển và sử dụng thiết bị điện tử.
Hơn nữa, đợt tấn công của máy bay Đức gây thiệt hại cho một số đài ra-đa Anh ngày 12 tháng 8 đã không được tiếp nối. Ngày 15 tháng 8, Göring ra lệnh bãi bỏ việc tấn công đài ra-đa, biện luận rằng không ích gì phải tiếp tục tấn công như thế bởi vì các đài ra-đa đã bị tấn công vẫn còn hoạt động.
Một yếu tố cốt lõi cho hệ thống phòng vệ bầu trời ở miền nam nước Anh là các đài chỉ huy khu vực. Đấy là trung tâm đầu não nằm dưới mặt đất, từ đây máy bay Hurricane và Spitfire được hướng dẫn bằng sóng vô tuyến dựa trên thông tin cung cấp từ ra-đa, từ đài quan sát trên mặt đất và từ phi công trên bầu trời. Người Đức luôn nghe được lời lẽ liên tục trao đổi qua sóng vô tuyến giữa các đài chỉ huy khu vực và phi công, và dần dà nhận ra tầm quan trọng của đài chỉ huy khu vực. Ngày 24 tháng 8, bên Đức thay đổi chiến thuật, phá hủy 7 đài chỉ huy khu vực ở các căn cứ không quân chung quanh London rất cần thiết cho sự phòng vệ của miền nam nước Anh và của chính thủ đô.
Cho đến ngày này, cuộc chiến trên không diễn ra bất lợi cho Đức. Ngày 17 tháng 8, Đức mất 71 máy bay so với bên Anh 21 chiếc. Loại máy bay tiêm kích Stuka, vốn tạo chiến công ở Ba Lan và Pháp, trở thành mục tiêu ngon xơi đối với chiến đấu cơ của Anh. Khi Göring rút máy bay Stuka ra khỏi bầu trời Anh, lực lượng Không quân Đức bị giảm đi một phần ba. Giữa các ngày 19-23 là khoảng thời gian yên ắng do thời tiết xấu. Göring xem xét tình hình rồi ra lệnh khi thời tiết cải thiện, Không quân Đức phải tập trung các cuộc tấn công nhắm vào Không lực Hoàng gia, với mục tiêu chủ yếu là tiêu diệt chiến đấu cơ của Anh.
Từ ngày 24 tháng 8 đến ngày 6 tháng 9, Đức phóng lên trung bình 1.000 máy bay mỗi ngày để đạt mục tiêu này. Ít nhất một lần, vị Thống chế Đế chế ra chỉ thị đúng lý. Cuộc chiến trên bầu trời nước Anh đã đi đến giai đoạn có tính chất quyết định. Dù phi công Anh chiến đấu một cách dũng cảm tuy đã mệt mỏi sau một tháng bay vài phi vụ mỗi ngày, số lượng áp đảo của máy bay Đức bắt đầu đạt ưu thế. Năm căn cứ không quân tiền phương ở miền nam nước Anh bị hư hại nặng nề và, tệ hơn nữa, sáu trong số bảy đài chỉ huy khu vực bị trúng bom nặng nề đến nỗi toàn hệ thống thông tin đang ở bờ vực bị tiêu diệt. Nước Anh bị đe dọa đối mặt với thảm họa.
Tệ hại nhất là đối với sự phòng vệ do chiến đấu cơ phụ trách. Trong hai tuần lễ từ 23/8 đến 6/9, 466 chiến đấu cơ Anh bị phá hủy hoặc hư hại nặng, và bên Anh không biết rằng Đức chịu thiệt hại nhẹ hơn: 385 máy bay, gồm 214 chiến đấu cơ và 138 máy bay ném bom. Hơn nữa, 103 phi công Anh tử trận và 128 bị thương nặng – chiếm một phần tư đội ngũ phi công hiện có.
Và rồi, thình lình Göring phạm lỗi lầm chiến thuật thứ hai, lần này tương đương với việc Hitler cho dừng cuộc tấn công của thiết giáp ở Dunkerque ngày 24/5. Lỗi lầm của Göring giúp cứu nguy cho Không lực Hoàng gia đang bị đánh tơi tả, và đánh dấu một trong những bước ngoặt quan trọng của trận chiến trên không lớn nhất trong lịch sử.
Trong khi chiến đấu cơ và đài chỉ huy khu vực Anh đang chịu thiệt hại và không thể trụ vững được lâu, ngày 7/9 Không quân Đức chuyển qua ném bom London vào ban đêm. Lực lượng chiến đấu cơ của Anh có cơ hội phục hồi.
Chuyện gì đã xảy ra khiến cho Đức đổi chiến thuật sau này sẽ gây hậu quả tai hại cho các tham vọng của Hitler và Göring? Câu trả lời chứa đầy trớ trêu.
Khởi đầu là do phi công của khoảng một chục oanh tạc cơ Đức phạm ít nhầm lẫn về phi hành trong đêm 23/8. Được chỉ thị thả bom xuống các nhà máy chế tạo máy bay và kho xăng dầu vùng ngoại ô London, họ bay chệch mục tiêu và thả bom xuống khu vực trung tâm thủ đô, phá hủy vài ngôi nhà và sát hại vài dân thường.
Bên Anh nghĩ đấy là hành động cố ý, nên thả bom xuống Berlin để trả đũa.Việc trả đũa không đạt kết quả gì nhiều. Chỉ có khoảng phân nửa trong số 81 oanh tạc cơ của Anh tìm được mục tiêu. Thiệt hại về vật chất không đáng kể. Nhưng tác động lên tinh thần là nặng nề. Vì lẽ, đây là lần đầu tiên bom rơi xuống thủ đô Berlin của Đức. Không lực Hoàng gia Anh bay đến với lực lượng mạnh hơn vào các ngày 28-29/8, Tác động chính yếu sau một tuần Anh ném bom liên tục là khiến cho dân chúng tan vỡ ảo tưởng và mất lòng tin. Thật ra, số thương vong không lớn.
Thần kinh của Hitler chính là một yếu tố tai hại khi chuyển các cuộc không kích của Đức ban ngày qua thả bom rải thảm ban đêm xuống London. Đấy là một quyết định về chính trị cũng như về quân sự, một phần là để trả đũa Anh thả bom xuống Berlin và các thành phố khác của Đức (chỉ là nhỏ nhoi so với mức độ Đức tàn phá các thành phố của Anh), phần khác là nhằm đánh gục ý chỉ chiến đấu của người Anh bằng cách san bằng thủ đô của họ. Nếu việc này tấn công – mà Hitler và Göbbels tin chắc sẽ thành công – có thể không cần thiết phải đổ bộ.
Thế là, xế chiều ngày 7/9, cuộc không tập dữ dội xuống London bắt đầu. Đức phóng lên 625 oanh tạc cơ và 648 chiến đấu cơ. Vào lúc 5 giờ chiều ngày Thứ Bảy này, đợt đầu tiên gồm 320 oanh tạc cơ, được bảo vệ bởi tất cả chiến đấu cơ Đức có thể huy động được, bay trên Sông Thames và ném bom xuống Công xưởng Woolwich cùng các nhà máy khí đốt, trạm phát điện, kho tàng và hàng dặm dài bến cảng. Cả một vùng rộng lớn chẳng bao lâu chìm trong biển lửa. Tại khu Silvertown, dân chúng bị lửa bao vây bốn mặt và được thuyền bè di tản. Lúc 8:10 giờ tối, đợt thứ hai gồm 250 máy bay thả bom bắt đầu, rồi nối tiếp bằng những đợt khác cho đến 4:30 giờ sáng Chủ Nhật. Buổi tối kế tiếp, 200 máy bay thả bom tàn phá suốt đêm. Theo sử gia chính thức của Anh, trong hai đêm đầu có 842 người thiệt mạng và 2.347 người bị thương. Từng khu vực rộng của thành phố bị thiệt hại nặng. Các cuộc thả bom diễn ra mỗi đêm trong cả tuần lễ sau. Trong thời gian này, kỹ thuật phòng không ban đêm chưa được hoàn thiện, nên thiệt hại của máy bay Đức là không đáng kể.
Và rồi, được hưng phấn qua những thành công ban đầu – họ nghĩ như thế – Không quân Đức quyết định tiến hành thả bom ban ngày xuống thủ đô còn đang bốc khói. Việc này dẫn đến một trong những trận chiến trên không có tính quyết định ngày 15/9.
Khoảng 200 oanh tạc cơ Đức, được khoảng 600 chiến đấu cơ yểm trợ, xuất hiện trên biển, tiến đến London. Bộ chỉ huy chiến đấu cơ đã theo dõi đường bay của các đội hình Đức và chuẩn bị sẵn sàng. Máy bay Đức bị chặn đánh trước khi đến được thủ đô, và dù vài chiếc bay thoát qua, phần lớn đều bị xáo trộn đội hình, một số bị bắn hạ trước khi có thể trút được bom xuống. Hai tiếng đồng hồ sau, một đội hình máy bay Đức tiến đến và cũng bị chặn đánh. Bên Anh loan báo bắn hạ 185 máy bay Đức, nhưng con số thật sự ghi trong thư khố của Đức thì thấp hơn nhiều – 56 chiếc, trong đó có 34 oanh tạc cơ. Bên Anh chỉ mất 26 máy bay.
Trận chiến này cho thấy sau khi Bộ Chỉ huy Chiến đấu cơ có một tuần để phục hồi, Không quân Đức không còn có thể tấn công Anh vào ban ngày. Nếu như thế, hy vọng cho cuộc đổ bộ là mong manh. Vì thế, ngày 15/9 là một điểm ngoặt cho cuộc chiến trên bầu trời Anh. Ngày kế, Göring khoác lác rằng chiến đấu cơ của địch "sẽ bị tiêu diệt trong vòng 4-5 ngày tới" sau khi ông khi thay đổi chiến thuật, sử dụng oanh tạc cơ không phải để thả bom mà làm mồi nhử chiến đấu cơ Anh. Nhưng Hitler cũng như các Tư lệnh Lục quân và Hải quân thì hiểu rõ hơn tình thế đôi bên. Thế là, như ta đã biết, ngày 17/9 Lãnh tụ đình hoãn vô hạn định Chiến dịch Sư tử Biển.
London trải qua 57 đêm liên tiếp, từ ngày 7/9 đến ngày 3/11, chịu đựng trung bình 200 máy bay thả bom mỗi đêm, và toàn thành phố có nguy cơ nhanh chóng trở thành đống gạch vụn. Nhiều thành phố khác cũng bị thiệt hại nặng, Dù thế, tinh thần người Anh vẫn không suy sụp và tốc độ sản xuất vũ khí vẫn không sụt giảm như Hitler đã tự tin mong đợi. Mà còn ngược lại. Các nhà máy sản xuất máy bay của Anh – một trong những mục tiêu hàng đầu của Đức – sản xuất gần 10.000 máy bay trong năm 1940, so với Đức chỉ sản xuất được hơn 8.000 chiếc. Đức không thể bù lại kịp tổn thất của oanh tạc cơ, và thật ra không quân Đức – như tài liệu mật của Đức chỉ rõ – không bao giờ hồi phục được sau những thiệt hại trên bầu trời Anh.

Đức tấn công Nam Tư

Sáng sớm ngày 6/4/1941, quân đội Đức với sức mạnh vượt trội tràn xuống Nam TưHy Lạp, băng qua các đường biên giới giữa Đức và Bulgari cùng Hungari với tất cả tốc độ của cơ giới để tiến đánh những đơn vị phòng hộ được trang bị thô sơ và còn bị Không quân Đức bắn phá trước. Hitler ra lệnh cho Göring "phá hủy Belgrade bằng những đợt tấn công dồn dập" sử dụng máy bay ném bom cất cánh từ các căn cứ ở Hungari. Theo lệnh của Hitler, thủ đô Belgrade bị san bằng. Trong ba ngày đêm liên tiếp, oanh tạc cơ Đức bay sát mái nhà – vì thành phố không có súng phòng không – giết hại 17.000 dân thường, làm bị thương một số lớn hơn và biến nhiều vùng thành đống tro tàn.

Trận Stalingrad

Cuối tháng 11/1943, quân Liên Xô tiến từ hướng bắc và nam để cắt đứt Stalingrad và ép Tập đoàn quân 6 của Đức hoặc phải vội vã rút về hướng tây hoặc chịu bao vây. Ngay khi nhìn thấy những gì đang diễn ra, Tham mưu trưởng Lục quân Kurt Zeitzler thúc giục Hitler cho phép Tập đoàn quân 6 rút ra khỏi Stalingrad để quay về khúc rẽ của Sông Don rồi tái lập phòng tuyến ở đây. Chỉ lời đề xuất ấy đủ để Lãnh tụ nổi cơn giận dữ. Ông thét lên "Tôi sẽ không rời khỏi Volga. Tôi không rút lui từ Volga!" và thế là hết. Được đưa ra trong nỗi cuồng nộ, quyết định này lập tức dẫn đến thảm họa. Đích thân Lãnh tụ ra lệnh cho Tập đoàn quân 6 trụ lại quanh Stalingrad.
Ngày 22/11, Tư lệnh Tập đoàn quân 6 Paulus gửi điện về xác nhận đơn vị của ông đã bị bao vây. Hitler lập tức ra lệnh Paulus dời tổng hành dinh vào thành phố và lập cứ điểm phòng vệ. Tập đoàn quân 6 sẽ được tiếp tế bằng máy bay cho đến khi được giải cứu. Nhưng đấy chỉ là động thái vô vọng. Hiện giờ có 20 sư đoàn Đức và 2 sư đoàn Rumani bị cắt đứt tại Stalingrad. Paulus cho biết họ cần tối thiểu 750 tấn hàng hậu cần mỗi ngày. Số lượng này vượt quá khả năng của Không quân vì thiếu máy bay vận tải. Ngay cả nếu có đủ máy bay, họ bị trở ngại vì bão tuyết và phải bay trên vùng trời mà không quân Liên Xô đã chiếm ưu thế. Tuy thế, Göring trấn an Hitler rằng Không quân sẽ thực hiện nhiệm vụ. Không quân Đức thật sự tiến hành đưa hàng tiếp tế đến, nhưng chỉ thỏa mãn được khoảng 10% nhu cầu tiếp tế, vì lý do súng phòng không và chiến đấu cơ Nga ngăn chặn, thời tiết xấu...
Ngày 31/1/1943, Paulus đầu hàng. Quân Nga dẫn 91.000 chiến binh Đức – kể cả 24 tướng lĩnh – đói khát, cóng lạnh, nhiều người mang thương tích, tất cả đều mê mụ, đau khổ, níu lấy tấm chăn lấm máu phủ lên đầu chống lại giá lạnh ở 24 độ âm, đi khập khiễng trên lớp băng tuyết hướng đến các trại tù binh ở Siberia. Trừ 20.000 quân Rumani và 29.000 thương binh đã được đưa về bằng máy bay, đấy là tất cả những gì còn lại của một tập đoàn quân có quân số 285.000 chỉ hai tháng trước. Những người khác đã bị tàn sát. Trong số 91.000 người vào ngày mùa đông ấy đi đến chốn giam cầm, chỉ có 5.000 người được thấy lại Tổ quốc của họ.

Göring đi cướp bóc

Trên cương vị đứng đầu Bộ Kế hoạch Bốn năm, Göring cũng được giao nhiệm vụ khai thác kinh tế ở Liên Xô. "Cướp bóc" là từ đúng nghĩa hơn, như Göring vạch rõ trong bài phát biểu ngày 6/8/1942 trước các ủy viên Quốc xã điều hành các lãnh thổ bị chiếm đóng:
Lúc trước người ta thường nói là cướp bóc, nhưng bây giờ nhiều việc có vẻ nhân văn hơn. Dù thế, tôi dự định sẽ cướp bóc, và làm tận tình. Ít nhất về việc này, ông làm đúng như lời nói, không những ở Liên Xô mà còn ở khắp lãnh thổ Châu Âu bị Quốc xã thôn tính.
Ngày 23/5/1941, Nhân viên Kinh tế của Göring ra chỉ thị: phả hủy các khu công nghiệp của Liên Xô. Công nhân và gia đình họ bị bỏ mặc cho chết đói. Chỉ thị ghi: "Cấm cứu giúp người dân ở đây cho khỏi chết bằng cách mang thực phẩm từ vùng đất đen Ukraina đến."
Ngay cả bảo vật nghệ thuật của những lãnh thổ bị chiếm đóng cũng bị cướp bóc và – theo tài liệu Quốc xã tịch thu được cho thấy – theo lệnh cụ thể của Hitler và Göring, những người do đấy đã làm giàu cho bộ sưu tập "cá nhân" của họ. Vị Thống chế Đế chế phục phịch ước tính bộ sưu tập của mình trị giá 50 triệu Mác. Chính Göring là người đi đầu trong việc cướp bóc bảo vật nghệ thuật. Ngay sau khi chiếm được Ba Lan, ông lập tức ra chỉ thị tịch thu bảo vật nghệ thuật ở đây, và trong vòng 6 tháng ủy viên đặc biệt được bổ nhiệm để thi hành lệnh này báo cáo rằng ông đã thu được "hầu như toàn bộ bảo vật nghệ thuật trên cả nước."
Nhưng phần lớn bảo vật nghệ thuật của Châu Âu chính là ở Pháp, và ngay sau khi Đức chiếm nước này Hitler và Göring ra lệnh tịch thu. Chính phủ Pháp phản đối việc cướp bóc bảo vật nghệ thuật của Pháp, tuyên bố rằng việc này vi phạm Công ước Hague. Khi một chuyên gia nghệ thuật Đức có tên Bunjes dám báo cáo việc này cho Göring, con người phục phịch trả lời: "Ông Bunjes thân yêu, để tôi lo lắng về việc này. Tôi là người phán xử cao nhất trong nhà nước. Lệnh của tôi là chung cuộc và ông phải tuân hành."
Và thế là theo một báo cáo của Bunjes cho thấy:
Những tác phẩm nghệ thuật thu được từ Bảo tàng Jeu de Paume để dành cho Lãnh tụ và những tác phẩm mà Thống chế Đế chế đã định riêng cho ông sẽ được đưa lên hai toa xe lửa nối với chuyến tàu đặc biệt của Thống chế Đế chế... đi đến Berlin.
Tiếp theo là những chuyến tàu khác. Theo một báo cáo mật chính thức của Đức, tính đến tháng 7/1944 có khoảng 137 toa tàu chở 4.174 kiện gồm 21.903 tác phẩm nghệ thuật, kể cả 10.890 bức họa. Tính đến tháng 1/1941, ước lượng các tác phẩm nghệ thuật cướp từ Pháp trị giá 1 tỉ Mác.
Có thể biện minh tuy không thể chấp nhận (vì vi phạm Công ước Hague) việc cướp bóc nguyên vật liệu, hàng hóa, thực phẩm – dù khiến cho dân chúng vùng bị chiếm đóng bị thiếu thốn và đôi khi chết đói. Nhưng việc cướp bóc bảo vật nghệ thuật không phục vụ cho mục đích chiến tranh. Đấy chỉ là do tính tham lam cá nhân của Hitler và Göring.

Göring với Giải pháp Cuối cùng

Tại Tòa án Nürnberg, Göring khai rằng ông ta chưa bao giờ sử dụng – cụm từ "Giải pháp Cuối cùng". Việc dịch thuật sai lạc khiến cho cụm từ "giải pháp mong muốn" được nêu ra tại phiên xử Göring, tạo cơ hội cho Göring phủ nhận. Nhưng chẳng bao lâu, vụ việc bùng nổ. Ngày 31/7/1941, Heydrich, chỉ huy trưởng lực lượng SD, nhận chỉ thị của Göring trong khi các Đội Đặc nhiệm đang tất bật làm việc ở Liên Xô:
Tôi giao cho anh nhiệm vụ thực hiện mọi bước chuẩn bị liên quan đến... giải pháp cuối cùng cho vấn đề người Do Thái trên những lãnh thổ ở Châu Âu dưới ảnh hưởng của Đức...
Thêm nữa, tôi lệnh cho anh nộp cho tôi càng sớm càng tốt một bản dự thảo chỉ ra... những biện pháp đã được thực hiện nhằm thực hiện giải pháp cuối cùng cho vấn đề người Do Thái.
Heydrich biết rõ Göring có ý gì trong từ ngữ ấy vì chính Göring đã sử dụng gần một năm trước trong một buổi họp kín sau khi Ba Lan sụp đổ, trong đó ông phác thảo "bước đầu cho giải pháp cuối cùng," gồm việc tập trung tất cả người Do Thái trong các khu biệt lập ở những thành phố lớn, nơi có thể đưa họ đến số phận cuối cùng một cách dễ dàng.
"Lệnh Lãnh tụ về Giải pháp Cuối cùng" được giới lãnh đạo Quốc xã biết đến nhưng chưa hề được thể hiện trên giấy – ít nhất không thể tìm ra văn bản nào trong số tài liệu của Quốc xã tịch thu được. Mọi chứng cứ cho thấy có phần đúng là cụm từ này được truyền đạt bằng miệng cho Göring, Himmler và Heydrich, rồi những người này truyền xuống cấp dưới trong mùa hè và mùa thu năm 1941. Một số nhân chứng tại Tòa án Nürnberg khai rằng họ đã "nghe" nói đến nhưng chưa từng thấy văn bản. Hans Lammers, Chánh Văn phòng Thủ tướng Đế chế, khai: "Tôi đã biết rằng lệnh Lãnh tụ được Göring truyền tải đến Heydrich... Lệnh này được gọi là 'Giải pháp Cuối cùng cho Vấn đề Người Do Thái'."

Đức phản công tại Ardennes

Giữa tháng 9/1944, khi quân Đồng minh đang dừng lại dọc biên giới Đức phía tây Sông Rhine. Hitler nhận ra rằng nếu cứ mãi thụ động phòng thủ thì chỉ kéo dài giờ khắc kết liễu số phận của nước Đức. Hitler khởi phát một kế hoạch táo bạo và đầy sáng kiến nhằm lấy lại thế chủ động, giáng một đòn để phân cách các Tập đoàn quân 1 và 3 của Mỹ, xâm nhập vào Antwerp và ngăn Eisenhower sử dụng bến cảng ở đây, rồi đẩy lui các tập đoàn quân Anh và Canada dọc biên giới Bỉ-Hà Lan. Cuộc phản công sẽ đánh qua vùng Ardennes mà tình báo Đức cho biết chỉ có 4 sư đoàn bộ binh phòng ngự. Göring hứa sẽ cung ứng 3.000 chiến đấu cơ.
Đêm 15/12/1944, một màn sương dây bao phủ vùng đồi hiểm trở phủ tuyết của rừng Ardennes khi quân Đức tiến đến các vị trí tấn công trên mặt trận trải dài 120 kilômét. Chuyên gia khí tượng của Đức đã dự báo thời tiết như thế sẽ kéo dài vài ngày khiến cho không lực Đồng minh không cất cánh được. Trong 5 ngày, Hitler được may mắn nhờ thời tiết. Quân Đức khiến cho Đồng minh bị bất ngờ hoàn toàn, đánh xuyên qua được vài điểm vào buổi sáng 16/12. Sau khi quân Đức tràn ngập 4 sư đoàn yếu ớt của Đồng minh tại Ardennes, những đơn vị rời rạc của Tập đoàn quân 1 Mỹ vẫn ngoan cường chống trả khiến cho đà tiến của Đức chậm lại. Hai ngày trước Giáng sinh có thời tiết tốt, giúp cho không lực Anh-Mỹ tấn công dữ dội các tuyến đường tiếp tế của Đức và quân đội Đức đang di chuyển trên con đường nhỏ hẹp trên những triền núi. Ngày 16/1/1945, chỉ một tháng sau khi phát động cuộc phản công mà Hitler tung ra tất cả cơ số dự bị về nhân lực và khí tài, quân đội Đức rút về phòng tuyến xuất phát. Không quân Đức bị mất 1.600 máy bay.

Chiến đấu cơ phản lực của Đức

Hitler và Göring đã kỳ vọng chiến đấu cơ phản lực sẽ đánh đuổi không lực Đồng minh khỏi bầu trời, vì Đức đã sản xuất được hơn 1.000 chiếc. Nhưng phi công Anh-Mỹ có cách đối phó. Chiến đấu cơ của Đồng minh không thể địch lại máy bay phản lực của Đức trên không, nhưng không có mấy chiếc phản lực cất cánh được. Không quân Anh-Mỹ phá hủy các nhà máy lọc dầu sản xuất loại xăng máy bay đặc biệt cho phản lực. Họ cũng dễ dàng nhận ra những đường băng dài cho máy bay phản lực và ném bom phá hủy các máy bay này đang đậu trên mặt đất.

Ngày tàn

20/4/1945 là sinh nhật của Hitler. Đêm ấy, từ boong-ke của Hitler ở Berlin, hai cận thần được tin cậy nhất của Hitler ra đi: Himmler và Göring. Riêng Göring đi trên một đoàn xe tải chở đầy những món vật ông đã gom góp được. Mỗi nhà lãnh đạo Quốc xã kỳ cựu này đều tin chắc rằng chẳng bao lâu Lãnh tụ yêu dấu của họ sẽ chết và họ sẽ lên thay ông.
Ngày 23/4, Göring kêu Bộ trưởng Hans Lammers của Văn phòng Thủ tướng Đế chế cho ý kiến về phát luật và cũng tìm cho ông một bản nghị định của Lãnh tụ ký ngày 29/6/1941. Nội dung của nghị định này là khá rõ ràng: nếu Hitler chết, Göring sẽ lên thay và nếu Lãnh tụ không còn năng lực Göring sẽ là người trợ lý. Mọi người đều thống nhất rằng khi Hitler lưu lại Berlin để chịu chết, bị cô lập khỏi giới quân sự và chính phủ, ông không còn năng lực để điều hành, và theo tinh thần nghị định Göring hiển nhiên phải gánh vác trách nhiệm.
Tuy thế, Göring vẫn cẩn thận thảo một bức điện tín để gửi cho Hitler.
Lãnh tụ của tôi!
Xét qua quyết định của ông muốn lưu lại trong công sự ở Berlin, ông có đồng ý cho tôi lập tức đảm nhận quyền lãnh đạo Đế chế, được hoàn toàn tự do để hành động trong và ngoài nước như là phụ tá của ông, theo tinh thần nghị định của ông ngày 29/6/1941? Nếu tôi không nhận được phúc đáp lúc 10 giờ tối nay, tôi sẽ hiểu rằng ông đã mất quyền tự do hành động, sẽ xem như đạt đủ điều kiện theo nghị định của ông, và sẽ làm việc vì lợi ích tốt nhất của đất nước và nhân dân ta. Ông hẳn hiểu tôi cảm nhận như thế nào về ông trong giờ khắc trầm trọng nhất này của đời tôi. Không có ngôn từ nào diễn tả hết ý nghĩ của tôi. Xin Thượng đế phù hộ cho ông, và nhanh chóng mang ông đến đây cho dù tình thế ra sao chăng nữa.
Do Bormann thúc giục, Hitler đọc một bức điện thông báo cho Göring biết ông này đã phạm tội "phản quốc nghiêm trọng" mà hình phạt là tử hình, nhưng vì đã có công lao lâu dài với Đảng Quốc xã và Nhà nước, ông sẽ được tha tội chết nếu từ bỏ lập tức mọi chức vụ. Trước khi trời sáng ngày hôm nau, Nhân vật Số 2 của Đế chế thứ Ba, Thống chế Đế chế duy nhất trong lịch sử nước Đức, Tư lệnh Không quân, trở thành tù nhân của SS. Hitler phong cho tướng Greim đang nằm dưỡng thương chức Tư lệnh Không quân và cũng thăng Greim lên Thống chế.
Trong bản Tuyên cáo Chính trị, Hitler tuyên bố:
Trước khi tôi chết, tôi trục xuất cựu Thống chế Đế chế Hermann Göring ra khỏi đảng và rút lại mọi quyền hành đã trao cho ông ấy qua nghị định ngày 20 tháng 6, 1941... Thay vào chức vụ ông ta, tôi bổ nhiệm Thủy sư Đô đốc Dönitz làm Tổng thống Đế chế và Tư lệnh Tối cao của Quân lực.
Göring bị đưa ra Tòa án Nürnberg, lúc này nhẹ đi 20 kílô, trong bộ đồng phục Không quân bạc màu không có quân phù, tỏ rõ hài lòng vì được ngồi ở vị trí Số Một – cách công nhận vị thế của ông trong thứ bậc của Quốc xã khi mà Hitler đã chết.
Lúc 1:17 giờ sáng rạng ngày 16/10/1946, Ribbentrop bước lên giàn xử treo cổ trong nhà tù Nürnberg, tiếp theo sau là Keitel, Kaltenbrunner, Rosenberg, Frank, Frick, Streicher, Seyß-Inquart, Sauckel, và Jodl.
Nhưng Göring thì không. Ông đã đánh lừa được thủ tục treo cổ. Hai tiếng đồng hồ trước khi đến lượt, Göring nuốt thuốc độc trước đấy đã được lén đưa vào nhà tù.

No comments:

Post a Comment