Saturday, November 30, 2013

Các nhà tâm lý học đã xác định được phương pháp học tập tốt nhất – Scientific American, An Khương dịch

Các nhà tâm lý học đã xác định được phương pháp học tập tốt nhất – Scientific American, An Khương dịch

Bài viết này (Psychologists Identify the Best Ways to Study) là bản do các tác giả tóm tắt công trình của mình (Improving Students’ Learning With Effective Learning Techniques Promising Directions From Cognitive and Educational Psychology) và đăng trên Scientific American số 29tháng 8, 2013
Tác giả: John Dunlosky , Katherine A. Rawson , Elizabeth J. Marsh , Mitchell J. Nathan và Daniel T. Willingham.
 An Khương chọn dịch.
***
Làm thế nào để phân biệt được phương pháp học tập nào thật sự hữu ích hay chỉ tổ làm bạn lãng phí thời gian? Một nghiên cứu mới đây lần đầu tiên chỉ ra phương cách tốt nhất để thu nạp kiến thức.
Giáo dục thường tập trung vào nội dung bạn cần học, chẳng hạn như môn đại số, hay các nguyên tố trong bảng tuần hoàn hóa học, hoặc làm thế nào để chia động từ. Tuy nhiên nếu học được cách học hiệu quả có thể cũng sẽ quan trọng không kém vì nó sẽ đem lại ích lợi cả đời cho người học. Học đúng phương pháp có thể  giúp bạn tiếp thu kiến thức nhanh hơn, hiệu quả hơn, khiến bạn có thể ghi nhớ thông tin trong nhiều năm thay vì chỉ nhiều ngày.

Trong hơn 100 năm qua, các nhà tâm lý học giáo dục và tâm lý học nhận thức đã nghiên cứu và đánh giá rất nhiều phương pháp học tập khác nhau, từ cách đọc đi đọc lại đến cách tóm tắt kiến thức cho đến phương pháp tự kiểm tra. Một số chiến lược học tập phổ biến đã giúp cải thiện rõ rệt thành tích của người học, trong khi những chiến lược khác chỉ làm tốn thời gian và không hiệu quả. Tuy nhiên, thông tin này chưa được phổ biến đến người học và người dạy. Ngày nay, giáo viên không được nói cho biết các phương pháp học tập nào là hiệu quả dựa trên chứng cứ thực nghiệm, và học sinh cũng không được dạy cho cách sử dụng những phương pháp học tập tốt. Trong thực tế, hai phương pháp hỗ trợ học tập mà người học sử dụng nhiều nhất hóa ra lại không hiệu quả. Một trong số chúng thậm chí có thể làm giảm đi kết quả học tập.
Một lý do chủ yếu cho hiện tượng nói trên là có một lượng rất lớn các nghiên cứu về vấn đề này, đến nỗi gây khó khăn cho các nhà giáo dục và cho người học trong việc xác định được phương cách học tập thiết thực và thuận lợi nhất. Để vượt qua thách thức này, chúng tôi đã xem xét hơn 700 bài báo khoa học về 10 phương pháp học tập phổ biến. Chúng tôi tập trung vào các chiến lược học tập dường như dễ sử dụng và có hiệu quả rộng rãi. Trong đó, chúng tôi xem xét kỹ hơn đến một vài phương pháp rất phổ biến với người học.
Chúng tôi chỉ khuyến nghị các phương pháp sao cho chúng phải có ích trong nhiều điều kiện học tập khác nhau, chẳng hạn như khi sinh viên làm việc một mình hoặc trong một nhóm. Ngoài ra, chúng phải hỗ trợ được cho học viên ở nhiều độ tuổi, khả năng và trình độ khác nhau. Và nhất là chúng phải được kiểm nghiệm thực tế. Học viên có thể sử dụng những phương pháp này để làm chủ kiến thức trong nhiều môn học, và thành tích học tập của họ sẽ được cải thiện theo mọi tiêu chuẩn đánh giá. Các phương pháp học tập tốt nhất cũng sẽ có tác dụng lâu dài trong việc nâng cao kiến thức và hiểu biết cho người học.
Sử dụng các tiêu chí này, chúng tôi xác định hai phương pháp có hiệu quả nổi trội. Chúng có hiệu quả ổn định và lâu dài cho nhiều điều kiện học tập khác nhau. Hơn ba phương pháp khác cũng được khuyến nghị trong một số điều kiện học tập nhất định, và năm phương pháp khác – bao gồm hai phương pháp học tập phổ biến – là không được khuyến nghị sử dụng. Hoặc là bởi vì chúng chỉ có ích trong một số trường hợp rất hạn chế, hoặc là vì chúng tôi không đủ chứng cứ để đánh giá chúng cao hơn. Chúng tôi cũng khuyến khích các nhà nghiên cứu tiếp tục tìm hiểu một số phương pháp khác chưa được chúng tôi kiểm tra, nhưng học viên và giáo viên nên thận trọng khi áp dụng chúng.
Hai phương pháp vàng
1. Phương pháp tự kiểm tra (Self-Testing): Tự kiểm tra đem lại điểm cao.
Mô tả phương pháp: Không giống như một bài kiểm tra chính thức để đánh giá kiến thức, tự kiểm tra là việc người học tự thực hành để kiểm tra chính mình, ở bên ngoài lớp học. Phương pháp này có thể bao gồm việc sử dụng các tấm bìa (bằng giấy hoặc điện tử) để kiểm tra việc nhớ lại hoặc trả lời các bài tập ở cuối một chương sách. Mặc dù hầu hết học sinh đều muốn làm kiểm tra ít chừng nào tốt chừng ấy, hàng trăm thí nghiệm cho thấy rằng tự kiểm tra giúp cải thiện việc học và giúp ghi nhớ được lâu.
Trong một nghiên cứu, các sinh viên đại học được yêu cầu ghi nhớ các cặp từ, một nửa trong số đó sau đó được tham gia một bài kiểm tra khả năng nhớ lại. Một tuần sau, các sinh viên này nhớ được 35% các cặp từ trong bài kiểm tra, so với chỉ có 4% đối với những sinh viên không tham gia kiểm tra. Trong một thí nghiệm khác, các sinh viên đại học được tiếp xúc với một bản dịch từ tiếng Swahili sang tiếng Anh. Tiếp theo, họ dùng phương pháp tự kiểm tra để học một phần văn bản, phần văn bản còn lại chỉ được họ đọc lại. Sinh viên nhớ lại được 80% trong phần mà họ đã học bằng cách tự kiểm tra nhiều lần, so với chỉ có 36% cho phần mà họ chỉ đọc lại. Giả thuyết của chúng tôi là việc tự kiểm tra thực hành sẽ giúp tạo nên quá trình tìm kiếm trong não bộ liên quan đến khả năng ghi nhớ dài hạn để kích hoạt các thông tin liên quan, qua đó hình thành nhiều lối mòn ghi nhớ, giúp truy cập thông tin dễ dàng hơn.
Lứa tuổi nào có thể sử dụng phương pháp này? Bất cứ ai từ trẻ mẫu giáo đến sinh viên y khoa năm thứ tư cho đến người có tuổi trung niên đều được lợi khi sử dụng phương pháp tự kiểm tra này. Nó có thể áp dụng được cho tất cả các loại thông tin không trừu tượng, bao gồm việc học ngữ vựng, lập danh sách chính tả, và ghi nhớ các bộ phận của hoa. Thậm chí nó còn cải thiện được khả năng nhớ lâu cho những người bị bệnh Alzheimer. Tóm lại, phương pháp tự kiểm tra một cách thường xuyên có hiệu quả nhất trong việc học, đặc biệt là khi người học nhận được thông tin phản hồi cho các câu trả lời đúng của họ.
Phương pháp tự kiểm tra cũng hoạt động tốt ngay cả khi thể thức của các bài kiểm tra khi thực hành khác với các bài kiểm tra chính thức. Tác dụng có lợi của phương pháp này có thể kéo dài từ nhiều tháng cho đến nhiều năm.
Phương pháp này có dễ thực hiện không? Câu trả lời là “Có”. Nó chỉ cần một lượng thời gian khiêm tốn và người học cần được huấn luyện một ít hoặc thậm chí không không cần.
Sử dụng phương pháp này như thế nào? Người học có thể dùng các tấm bìa để tự kiểm tra hoặc sử dụng hệ thống Cornell như sau: Trong quá trình ghi bài trên lớp, hãy tạo ra một cột bên một lề của trang để ghi ra các từ khóa hoặc câu hỏi. Sau đó bạn có thể tự kiểm tra bằng cách duyệt lại các ghi chép này và trả lời các câu hỏi (hoặc giải thích các từ khóa) được ghi bên lề.
Đánh giá: Phương pháp này có hiệu quả cao. Việc tự kiểm tra có thể thực hiện được một cách rộng rãi trên nhiều thể thức, nội dung, lứa tuổi, và khoảng thời gian cần ghi nhớ.
2 . Phương pháp phân bổ thời gian ôn tập (Distributed Practice): Để đạt kết quả tốt nhất, hãy giãn rộng thời gian học của bạn ra.
Mô tả phương pháp: Học sinh thường tập trung học nhồi ngay trước khi có bài thi hoặc kiểm tra. Tuy nhiên nghiên cứu cho thấy việc phân phối thời gian học tập hợp lý sẽ hiệu quả hơn nhiều. Trong một thí nghiệm kinh điển, học sinh được học các từ tiếng Anh được dịch ra từ các từ trong tiếng Tây Ban Nha, sau đó ôn lại trong sáu phiên. Một nhóm đã ôn trong các phiên liên tiếp nhau, một nhóm ôn các phiên cách ngày và một phần ba số học sinh còn lại đã ôn các phiên cách nhau 30 ngày. Các học sinh trong nhóm cuối nhớ bản dịch tốt nhất. Trong một phân tích 254 nghiên cứu được thực hiện liên quan đến hơn 14.000 người tham gia, sinh viên nhớ lại được nhiều hơn khi phân bổ thời gian học cách quãng (nhớ được 47% của toàn bộ) so với việc học dồn (nhớ được 37%).
Lứa tuổi nào có thể thực hiện được phương pháp này? Phương pháp này giúp ích được cho cả trẻ ba tuổi, lẫn sinh viên đại học và cả người lớn tuổi hơn. Việc phân phối thời gian học hợp lý có hiệu quả cao cho việc học ngữ vựng, học định nghĩa của từ, và thậm chí cả việc học các kỹ năng như toán học, âm nhạc và phẫu thuật.
Phương pháp này có dễ thực hiện không? Câu trả lời là “Có.” Mặc dù sách giáo khoa thường gộp các bài tập lại với nhau theo chủ đề, bạn có thể ngắt chúng ra theo cách của mình. Bạn sẽ phải lên kế hoạch trước, và phải vượt qua được trở ngại chung của người học là xu hướng hay trì hoãn việc ôn bài.
Sử dụng phương pháp như thế nào? Khoảng cách lâu hơn giữa các lần ôn bài thường có hiệu quả cao hơn. Trong một nghiên cứu, khoảng cách 30 ngày cải thiện kết quả nhiều hơn so với việc ôn bài vất vả cách ngày. Trong một nghiên cứu dựa trên Internet về việc học ngữ pháp, tu từ và logic, kết quả cao nhất đạt được khi các phiên ôn bài cách nhau khoảng từ 10 đến 20% của khoảng thời gian mà người học cần phải nhớ được kiến thức. Để nhớ một điều gì đó trong một tuần, các phiên học ôn nên cách nhau từ 12 đến 24 giờ đồng hồ. Để nhớ một điều gì đó trong năm năm, các phiên học nên cách nhau từ 6 đến 12 tháng. Mặc dù không có vẻ gì là như thế, nhưng thực sự là bạn có thể ghi nhớ được thông tin ngay cả trong những khoảng thời gian dài, và bạn có thể học lại một cách nhanh chóng những gì bạn đã quên. Khoảng cách dài giữa các lần ôn bài là lý tưởng để nhớ được các khái niệm cơ bản làm cơ sở cho kiến thức nâng cao.
Đánh giá: Phương pháp này có hiệu quả cao. Việc phân phối thời gian học ôn hợp lý sẽ có hiệu quả cho người học ở nhiều độ tuổi khác nhau trong việc học tập ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Nó rất dễ thực hiện và đã được sử dụng thành công trong thực tiễn.

Các phương pháp hạng nhì
Không như những gì được nói, các phương pháp học tập sau đây có hiệu quả thấp, trong nhiều trường hợp bởi vì không đủ bằng chứng tích lũy hỗ trợ cho chúng. Một số phương pháp, chẳng hạn như phương pháp hỏi đáp chi tiết (elaborative interrogation), hay phương pháp tự giải thích (self-explanation), chưa được đánh giá trong các tình huống giáo dục thực tế. Một phương pháp khác đang nổi lên, được gọi là phương pháp thực hành xen kẽ (interleaved practice), chỉ vừa mới bắt đầu được nghiên cứu một cách có hệ thống. Tuy nhiên, những phương pháp này cho thấy chúng cũng có hiệu quả đủ tốt để chúng tôi khuyến khích sử dụng trong những tình huống được mô tả ngắn gọn ở đây.
3 . Phương pháp hỏi đáp chi tiết (elaborative interrogation): Khởi nguồn từ bản tính tò mò của trẻ 4-5 tuổi.
Mô tả phương pháp: Tò mò là bản năng tự nhiên của con người, chúng ta luôn tìm kiếm những kiến giải về thế giới xung quanh mình. Một số lượng lớn các bằng chứng cho rằng thấy rằng gợi ý người học trả lời các câu hỏi “Tại sao?” cũng làm cho việc học tập dễ dàng hơn.
Trong phương pháp này, thường được gọi là phương pháp “hỏi đáp chi tiết” (elaborative interrogation), người học đưa ra câu trả lời cho các sự kiện, chẳng hạn như “Tại sao điều này có nghĩa là …?” hoặc ” Tại sao điều này lại đúng?” Chẳng hạn, trong một thí nghiệm, học sinh đọc được câu “người đàn ông đói bụng đã ngồi vào xe.” Các thành viên của nhóm hỏi đáp chi tiết được yêu cầu giải thích lý do tại sao, trong khi nhóm khác đã được cung cấp sẵn một lời giải thích, chẳng hạn như “người đàn ông đói bụng đã lên xe để đi đến nhà hàng.” Nhóm thứ ba chỉ đơn giản là đọc từng câu trên. Khi được yêu cầu nhớ lại ai đã làm gì (“Ai đã lên xe?”), trong nhóm hỏi đáp chi tiết có khoảng 72% học sinh trả lời đúng so với khoảng 37% trong các nhóm khác.
Nên sử dụng khi nào? Khi mà bạn đang học về những thông tin không trừu tượng, đặc biệt là khi bạn đã có hiểu biết về chủ đề này. Sức mạnh của phương pháp này tăng lên cùng với lượng kiến thức mà bạn biết về chủ đề. Chẳng hạn, học sinh ở CHLB Đức sử dụng phương pháp này hiệu quả hơn khi học về các tiểu bang của Đức so với khi học về các tiểu bang của Canada. Có thể là vì kiến thức có trước về chủ đề cho phép người học đưa ra lời giải thích phù hợp hơn cho lý do tại sao một điều gì đó đã xảy ra.
Tác dụng của phương pháp này có vẻ ổn định theo tuổi tác, từ học sinh lớp bốn cho đến sinh viên đại học. Phương pháp hỏi đáp chi tiết cải thiện rõ ràng việc ghi nhớ các sự kiện, nhưng vẫn chưa chắc chắn rằng liệu nó có làm tăng mức độ hiểu sâu hay không, và không có thông tin kết luận về việc hiến thức được ghi nhớ kéo sẽ dài bao lâu.
Phương pháp này có dễ sử dụng không? Câu trả lời là “Có.” Nó chỉ cần việc huấn luyện ở mức tối thiểu và thời gian tiêu tốn là ở mức hợp lý. Trong một nghiên cứu, một nhóm hỏi đáp chi tiết cần 32 phút để làm một nhiệm vụ mà một nhóm chỉ đọc cần 28 phút.
Đánh giá: Phương pháp này có hiệu quả vừa phải. Nó áp dụng được cho khá nhiều chủ đề khác nhau, nhưng có thể không hữu ích lắm đối với các chủ đề trừu tượng. Đối với người học chưa có kiến thức trước về chủ đề đang học thì lợi ích của phương pháp có thể bị hạn chế. Nghiên cứu thêm về phương pháp này là cần thiết để xác định xem liệu nó có thể áp dụng rộng rãi hơn vào các tình huống khác nhau, và các loại thông tin khác nhau nữa hay không.
4 . Phương pháp Tự Giải thích (Self-Explanation): Làm sao tôi biết?
Mô tả phương pháp: Người học phải đưa ra lời giải thích cho những gì họ học, xem xét quá trình tư duy đối với những câu hỏi kiểu như “Câu văn này cung cấp thông tin mới gì cho bạn?” “Nó có liên quan như thế nào đến những gì bạn đã biết?” Tương tự như phương pháp nêu câu hỏi và trả lời, phương pháp tự giải thích có thể giúp tích hợp hiệu quả thông tin mới học được với kiến thức đã có sẵn.
Lứa tuổi nào sử dụng được? Phương pháp này mang lại lợi ích cho người học từ bậc mẫu giáo cho đến sinh viên đại học, và giúp ích cho việc giải toán cũng như giải các câu đố cần suy luận logic. Nó có thể được dùng để học các chuyện kể cũng như học để thông thạo các chiến lược tàn cục trong cờ vua. Ở trẻ em, phương pháp tự giải thích có thể giúp ích trong việc học những khái niệm căn bản như việc học các con số hoặc hình mẫu. Phương pháp này cũng giúp cải thiện trí nhớ, giúp hiểu sâu và giúp giải quyết vấn đề – tác dụng của nó rất đa dạng. Tuy nhiên hầu hết các nghiên cứu chỉ đo các tác dụng chỉ trong vòng vài phút, và ta không biết liệu hiệu quả của nó có kéo dài được lâu hơn đối với những người kiến thức hơn cao hoặc thấp hơn hay không.
Phương pháp này có dễ sử dụng không? Câu trả lời là không rõ ràng. Một mặt, hầu hết người học chỉ cần được hướng dẫn ở mức tối thiểu và thực hành ít hoặc không cần. Một bài kiểm tra của học sinh lớp chín cho thấy rằng những học sinh không được huấn luyện có xu hướng chỉ diễn giải lại điều được học chứ không phải là đưa ra lời giải thích thật sự. Mặt khác, một vài nghiên cứu cho thấy rằng phương pháp này tiêu tốn nhiều thời gian, tăng nhu cầu thời gian từ 30 đến 100% so với các phương pháp khác.
Đánh giá: Phương pháp tự giải thích có lợi ích vừa phải. Nó áp dụng được cho các môn học khác nhau và cho nhiều độ tuổi khác nhau đáng kể. Các nghiên cứu tiếp theo phải xác định được xem liệu những tác dụng của phương pháp này có lâu bền, và thời gian tiêu tốn nhiều cho nó là có đáng giá hay không.
5 . Thực hành xen kẽ (Interleaved Practice): Trộn táo với cam
Mô tả phương pháp: Một cách trực quan, người học thướng có xu hướng chia việc học ra thành các khối kiến thức, hoàn thành xong việc học một chủ đề hoặc một dạng bài tập trước khi chuyển sang phần tiếp theo. Nhưng nghiên cứu gần đây đã chỉ ra lợi ích của phương pháp thực hành xen kẽ. Trong đó, học viên sẽ học luân phiên các chủ đề hay các dạng bài toán khác nhau. Chẳng hạn trong một nghiên cứu, các sinh viên đại học đã học cách tính thể tích của bốn dạng vật thể khác nhau. Đối với phương pháp chia việc học thành khối kiến thức, họ phải hoàn thành tất cả các bài tập đối với một dạng vật thể trước khi chuyển sang dạng vật thể tiếp theo. Trong phương pháp thực hành xen kẽ, các bài toán về 4 dạng đã được trộn xen kẽ với nhau. Trong bài kiểm tra thực hiện một tuần sau đó, nhóm sử dụng phương pháp thực hành xen kẽ làm chính xác hơn 43% so với nhóm học theo phương pháp chia khối kiến thức. Việc học xen kẽ các kiến thức giúp người học có được kĩ năng lựa chọn phương pháp phù hợp và khuyến khích họ so sánh các dạng bài tập khác nhau.
Khi nào nên sử dụng phương pháp này? Khi các dạng bài tập tương tự nhau, có lẽ là vì bằng cách để chúng ở gần nhau thì dễ thấy sự khác biệt giữa chúng hơn. Phương pháp thực hành theo khối kiến thức – làm việc trên tất cả các bài toán cùng vào một chủ đề – có thể hiệu quả hơn khi mà các bài toán có sự khác nhau nhiều, bởi vì khi đó nó làm nổi bật những điểm chung giữa chúng.
Phương pháp thực hành xen kẽ có thể chỉ mang lại lợi ích những người đã đạt đến một trình độ nhất định. Tác dụng của phương pháp này cũng lẫn lộn cho nhiều loại nội dung học tập khác nhau. Nó giúp cải thiện kết quả học tập đối với các bài toán đại số, và có hiệu quả đối với một nghiên cứu trong việc đào tạo sinh viên y khoa khả năng diễn giải kết quả chẩn đoán chứng rối loạn tim mạch. Có hai nghiên cứu về việc học ngữ vựng cho thấy phương pháp này không có hiệu lực mấy. Tuy nhiên, với những khó khăn mà nhiều học sinh gặp phải ở môn toán, phương pháp này vẫn có thể là một chiến lược học tập rất có giá trị cho riêng môn này.
Nó có dễ thực hiện không? Câu trả lời có vẻ là “Có.” Một sinh viên có động cơ học tập có thể dễ dàng sử dụng phương pháp thực hành xen kẽ mà không cần bất kỳ hướng dẫn nào. Giáo viên cũng có thể sử dụng phương pháp này trong lớp học: Sau khi đưa ra một dạng bài tập (hoặc chủ đề), bước thực hành đầu tiên của phương pháp tập trung vào dạng bài đó. Ngay khi đưa ra dạng tiếp theo, cần trộn lẫn bài tập dạng này với bài tập của dạng trước. Phương pháp này có thể tốn nhiều thời gian hơn một chút so với phương pháp chia khối kiến thức, nhưng như thế vẫn đáng giá, vì nó giúp nâng cao thành tích học tập.
Đánh giá: Phương pháp thực hành xen kẽ có tác dụng vừa phải. Nó giúp cải thiện việc học tập và ghi nhớ các kiến thức toán học, và tăng cường các kỹ năng nhận thức khác. Mặc dù lượng tài liệu về phương pháp này là ít, nhưng trong đó cũng đã có đủ kết quả tiêu cực để ta cần phải bận tâm khi sử dụng nó. Có thể là phương pháp này không hoàn toàn tốt, hoặc có lẽ không phải lúc nào nó cũng được sử dụng một cách thích hợp – đây là những đề tài cho nghiên cứu tiếp theo.
Bài học rút ra
Tại sao người học không sử dụng các phương pháp học tập hiệu quả hơn? Có vẻ như họ đã không được dạy những chiến lược tốt nhất, và cũng có lẽ vì bản thân người dạy cũng không được đào tạo về các phương pháp đó. Chúng tôi đã khảo sát sáu cuốn sách giáo khoa tâm lý giáo dục học, và thấy rằng chỉ có một phương pháp – “học thuộc các từ khóa” – được xét đến trong mỗi cuốn. Không ai được hướng dẫn nhiều về cách sử dụng, tính hiệu quả hoặc sự hạn chế của các phương pháp học tập khác nhau.
Vấn đề thứ hai có thể là vì hệ thống giáo dục nhấn mạnh vào việc dạy cho người học các kỹ năng tư duy phê phán, và nội dung kiến thức, dành ít thời gian cho việc dạy phương pháp học tập. Điều này dẫn đến kết quả có thể là những học sinh có thành tích tốt trong những năm đầu đời, khi việc học tập được giám sát chặt chẽ, có thể gặp khó khăn một khi họ sẽ phải tự quản lý việc học của mình ở trường trung học hoặc đại học.
Một số vấn đề, chẳng hạn như độ tuổi tốt nhất để học sinh bắt đầu sử dụng một phương pháp nào đó, và khoảng bao lâu họ sẽ cần phải được huấn luyện lại hoặc nhắc nhở về phương pháp, vẫn cần được nghiên cứu thêm. Nhưng ngay từ bây giờ, người dạy đã có thể tích hợp các phương pháp học tập thành công nhất vào trong giáo án để người học có thể theo đó mà sử dụng. Ví dụ, khi chuyển đến phần kiến thức mới, người dạy có thể bắt đầu bằng cách yêu cầu người học làm một bài kiểm tra thực hành bao gồm những điểm quan trọng ở phần trước và phản hồi bài kiểm tra của người học ngay. Người học có thể chèn thêm vào giũa những bài toán mới các bài toán có liên quan ở trong các phần trước đó. Người dạy có thể khai thác phương pháp phân phối thời gian ôn tập hợp lý (distributed practice) bằng cách đưa ra lại các khái niệm chính trong quá trình dạy. Họ có thể giúp người học sử dụng phương pháp đặt câu hỏi và trả lời (explanatory questioning) bằng cách gợi cho người học xem xét trả lời cho những câu hỏi “Tại sao?”
Những phương pháp học tập này không phải phương thuốc chữa bá bệnh. Chúng chỉ đem lại lợi ích cho những người học có mục tiêu, và có khả năng sử dụng chúng. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng rằng người học sẽ thu được nhiều ích lợi trong hoạt động trên lớp, trong các bài kiểm tra, và trong suốt cuộc đời họ.

Wednesday, November 13, 2013

Chứng cứ có 1-0-2 về vụ tẩu thoát của Hitler


 Nhà văn, nhà báo Argentina Abel Basti đã đưa ra những lập luận gây sốc khẳng định Hitler không hề tự sát mà tẩu thoát khỏi Đức và sống đến già. 
Có thể nhà văn, nhà báo người Argentina Abel Basti là người đầu tiên khẳng định thêm giả thiết về sự mất tích của Hitler bằng những tài liệu và ảnh lưu trữ của cơ quan mật vụ. Vào năm 2004, ông đã công bố cuốn sách đầu tiên nhan đề “Những kẻ quốc xã ở Barilotra”. Tuy nhiên, trong phần hai của cuốn sách ăn khách có tựa đề “Hitler ở Argentina”, quan điểm của ông thực sự đã gây chấn động dư luận.
Trong khi tiến hành nghiên cứu, Abel Basti đã phỏng vấn nhiều nhân chứng, công bố các tài liệu mật của cơ quan an ninh quốc gia, Basti muốn chứng minh rằng Hitler có thể đã lẩn trốn ở Nam Mỹ và sống tại đó đến già. Sau đây là trả lời phỏng vấn của ông với tuần báo Nga AIF (Luận chứng và sự kiện) về vấn đề này.
- Thưa ông Basti, trong cuốn sách của mình, ông khẳng định là ngày 30/4/1945 Hitler đã trốn thoát khỏi Berlin bằng máy bay. Bằng cách nào mà hắn có thể làm được điều này nếu như trước đó các sân bay đã bị tiêu huỷ và quân Đồng minh đang kiểm soát không phận?
Trong cuốn sách của tôi có đưa ra những bằng chứng bí mật từ tư liệu của cơ quan an ninh quốc gia, rằng ngày 30/4/1945 vào lúc 16h30’(có nghĩa là 1 tiếng sau giả định tự sát của Hitler) người ta đã nhìn thấy Hitler đứng bên cạnh chiếc máy bay riêng Ju-52 của mình. Vào những đêm cuối tháng 4, máy bay của các nhân vật cao cấp của quốc trưởng đã hạ cánh xuống đại lộ Unter-den-Linden, nơi đây vẫn còn lưu giữ những chiếc cột đèn đường. Tên bộ trưởng Slpeer đã rời boong-ke vào ngày 20 và ba ngày sau đó đã bình thản trở lại trên chiếc máy bay “Fizeler Storg”. Vậy là quân Đồng minh đâu có cản trở hắn ta. Ngày 25/4 tại boong-ke của quốc trưởng đã có một cuộc họp bí mật về việc đưa Hitler đi di tản. Dự họp có nữ phi công Hanna Rits, viên phi công nổi tiếng Hans Ulrich Rudel và phi công riêng của Hitler là Hans Baur. Kế hoạch bí mật về việc này mang mật danh là “Chiến dịch Seral”.
- Vậy theo ông thì ai là kẻ đã chở Hitler đi?
Hai ngày sau có 5 chiếc máy bay “Storg” đến Berlin (mỗi chiếc chở được 10 người), ngày 28/4, chính chiếc Ju-52 do viên phi công Bosser lái đã bay tới - điều này đã được tình báo của quân Đồng minh chính thức khẳng định. Một ngày sau theo lệnh của tướng Adolf Galland, các lực lượng không quân cuối cùng của Đức đã bất ngờ bay trên bầu trời thủ đô của Đức quốc xã, gồm hàng trăm máy bay tiêm kích Me-262. Chúng đã bay yểm hộ chiếc phi cơ của Hanna Rits giúp cô ta bay xuyên qua được lọat đạn cao xạ pháo của Liên Xô và ra khỏi Berlin. Đây là chuyến bay thử nghiệm và sự kiện này đã bị ai đó trong số các nhà sử học bác bỏ. Ngày hôm sau theo kịch bản thử nghiệm của Rits thì Adolf Hitler đã rời Berlin đến Tây Ban Nha. Đến cuối mùa hè hắn đã rời nơi này đi đến Argentina trên một chiếc tàu ngầm. Tiễn Hitler có Muller và Bormann.
- Thế nhưng làm thế nào mà lại có được hàm răng của Hitler đang được lưu giữ tại Moskva trong viện lưu trữ của FSB (cơ quan an ninh liên bang Nga)? Các nghiên cứu của Liên Xô cũng như của các chuyên gia đã nhất trí khẳng định đó đúng là hàm răng của tên quốc trưởng. Vậy điều gì đã xảy ra khi người ta đã nhổ một phần hàm răng của Hitler, còn hắn thì vẫn chạy thoát?
Các chuyên gia chỉ có khả năng so sánh hàm răng đã bị hàn đó với những bức ảnh chụp X-quang có chất lượng rất kém của thời đó, cùng với lời chỉ dẫn của viên nha sỹ tư của Hitler, tên này thì có thể nói tất cả những gì mình muốn. Tuy nhiên vẫn có một cách duy nhất để nhận biết sự thật. Cần so sánh các mẫu ADN có thể nhận được từ người chị ruột của Hitler là Paula – người đã chết từ năm 1960 và được mai táng tại nghĩa trang Bergfrifhof. Tôi đã chính thức đề nghị với chính quyền Nga được nghiên cứu về hàm răng này để có được bằng chứng xác đáng là tôi nói đúng sự thật.
- Bao nhiêu năm nay người ta vẫn nói về sự mất tích bí mật của “nhân vật số 2” Martin Bormann, kẻ đã “bốc hơi” khỏi Berlin ngày 1/5/1945. Đa số họ thề rằng đã tận mắt nhìn thấy hắn ở Nam Mỹ và họ không thể nhầm được. Thế nhưng đến năm 1972 trong khi đào hố móng ở Berlin đã tìm thấy một bộ xương và qua nghiên cứu ADN cho thấy đó là bộ xương của Bormann. 
Điều đáng buồn cười là cả hai điều trên đều đúng. Martin Bormann quả thật là đã bỏ trốn, hắn đã sống ở Argentina và Paraguay. Tôi đã tìm được khá nhiều bằng chứng về việc này, trong đó có cả các tài liệu, đặc biệt là ảnh của Borman chụp từ những năm 50. Vì thế, hoàn toàn có thể là khi Borman chết một cách tự nhiên thì di hài của hắn đã được bí mật đưa về Berlin, sau đó thì người ta đã diễn một vở kịch với “chiến lợi phẩm” đã được tìm thấy.
- Trong cuốn sách của mình, ông có viết là Hitler và Eva Braun cùng với một đoàn tuỳ tùng lớn và vệ sỹ đã đến Argentina trên ba chiếc tàu ngầm mà sau này đã bị dìm xuống để bảo mật. Quả thật là tại chỗ đó ở độ sâu 30m, với sự hỗ trợ của thiết bị đặc biệt, đội chỉ huy thuỷ quân đã phát hiện thấy những vật lớn bị vùi xuống cát. Thế nhưng đâu là bằng chứng cho thấy đó chính là những chiếc tàu của Đức quốc xã?
Tôi dựa trên những chỉ dẫn của các nhân chứng sau chiến tranh, họ đã quan sát ba chiếc tàu ngầm có biểu tượng dấu thập ngoặc đi tới vịnh nhỏ thuộc tỉnh lỵ Rio-Hegro của Argentina. Argentina trong tình trạng chiến tranh với Đức chính thức từ ngày 27/3/1945, có thể đó là những dấu tích của các thuỷ binh thời đó chăng? Tuy nhiên, trong hồ sơ lưu trữ của Bộ quốc phòng Argentina không có một dòng nào nói về việc những chiếc tàu của Đức bị nhấn chìm cả. Vậy thì lấy đâu ra những chiếc tàu bị chìm này chứ? Tôi có đặt vấn đề là cần đưa những chiếc tàu ngầm này lên và nghiên cứu kỹ lưỡng. Sau chiến tranh, những chiếc tàu Đức đã đến Argentina một vài lần, chẳng hạn như tàu ngầm U-977 đã đến nước này vào ngày 17/8/1945 với giả thiết rằng viên chỉ huy tàu là Hains Seffer đã chuyển vàng và những đồ trang sức khác của Đức quốc xã đến.
- Ông đã công bố tài liệu của FBI Mỹ khi đưa ra sự nghi vấn nghiêm túc về giả thiết cái chết của Adolf Hitler. Tờ giấy này có từ ngày 13/11/1945 gồm có bản báo cáo của một điệp viên Mỹ tại Argentina từng đóng vai người làm vườn cho gia đình di cư người Đức giàu có là vợ chồng Eikhornov. Điệp viên này thông báo rằng vợ chồng họ đang sống ở làng fLa-Falda. Từ tháng 6 họ đã chuẩn bị đến chỗ Hitler trong thời gian sớm nhất. Tài liệu này có phải là thực không?
Đây là câu hỏi rất cũ rồi, bởi vì tôi nhận được tài liệu này một cách hợp pháp khi nó không còn là bảo mật nữa từ hồ sơ lưu trữ của FBI - hồ sơ số 65-53615 và đó không phải là chứng cớ duy nhất về việc Hitler chạy trốn. Còn có một số báo cáo mật của FBI, FSB và MI-5 về chuyện ông ta còn sống, nhưng tiếc rằng Mỹ, Anh và Nga cho đến bây giờ đã không công khai tất cả những tài liệu có liên quan đến đề tài này. Chẳng hạn như có 3 bài báo ghi chép về cuộc nói chuyện của Iosip Stalin (một trong số đó là cuộc chuyện trò với cố vấn quốc gia Mỹ Birnso), trong đó nhà lãnh đạo Xô-viết công khai nói rằng Hitler đã trốn thoát. Trong suốt 15 năm tôi đã thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn các nhân chứng đã trực tiếp nhìn thấy trùm phát xít này ở Argentina. Đa số họ chỉ đến bây giờ mới nói rằng nhiều tên quốc xã ở Argentina đã chết nên họ không có gì phải sợ nữa. Họ còn giữ được một bức thư của tên tướng Zeidlis đề năm 1956, hắn thông báo rằng đang chuẩn bị đến dự cuộc gặp mặt Hitler ở Argentina và “thủ lĩnh” Nam-tư Pavelits.
- Ông thường dẫn ra bằng chứng của các nhân chứng. Nhưng ông nghĩ sao trong khi có những nhân chứng khác nói rằng đã nhìn thấy Hitler chết và người ta đã chôn xác của ông ta?
Không một người nào tận mắt nhìn thấy Hitler đã nhai viên thuốc độc và tự bắn vào đầu mình. Câu chuyện trùm phát xít tự sát đã được những kẻ thân cận của Hitler nghĩ ra từ đầu đến cuối để làm mọi người rối trí. Nếu các vị nghiên cứu tài liệu lưu trữ sẽ thấy rằng, ngay cả khi họ đưa ra bằng chứng về cái chết của Hitler chăng nữa thì vẫn có những điều mâu thuẫn. Thoạt đầu thì họ nói rằng hắn đã tự đầu độc, sau đó thì không phải thế mà là tự bắn vào thái dương. Sau nữa thì, xin lỗi, họ lại nói lúc đầu tự đầu độc rồi sau mới tự bắn. Độc tố sianua gây nên cơn co giật và cái chết ngay tức thì, vậy sau đó làm sao mà hắn lại có thể bóp cò súng được chứ?
Ngọc Bích (theo AIF)

Thursday, November 7, 2013

Trận chiến cứu cả thế giới Hồi giáo "chấn động" lịch sử

Trận chiến cứu cả thế giới Hồi giáo 

"chấn động" lịch sử


Có nhiều người tin rằng, chiến thắng Ain Jalut này không chỉ cứu thế giới đạo Hồi mà còn thay đổi toàn bộ lịch sử thế giới...

Quân đội Mông Cổ được coi là một trong những đạo quân mạnh nhất thế giới từng xuất hiện trong lịch sử. Trang bị kỹ càng tới tận "chân răng", nguồn lương thực hậu cần cực tốt, khả năng cưỡi ngựa bắn cung siêu hạng, chiến thuật hoàn hảo cùng tư chất dũng mãnh, không biết sợ chết đã khiến cho đội quân Mông Cổ được coi là bất khả chiến bại vào thời điểm đó. 
Họ tàn phá gần nửa triệu quân của Đế chế Hoa Lạc Tử Ngô, phá tan 8 vạn liên quân Nga bên bờ sông Kalka, chinh phục nhà Tống "nhẹ như trở bàn tay".

Quân Mông Cổ nghiền nát liên quân Nga, đông gấp 4 lần tại trận Kalka năm 1223.
Thế nhưng trong lịch sử, người Mông Cổ cũng biết tới thất bại. Tuy nhiên, thất bại trong 3 cuộc viễn chinh Đại Việt hay sự kiện Thần Phong hủy diệt đội chiến thuyền của Hốt Tất Liệt đều không phải là những trận mà người ta dám đối đầu 1 đối 1 với quân Mông Cổ.
Ở cuộc viễn chinh Đại Việt, sức nóng khủng khiếp của miền Bắc vào dịp đầu hè, cộng thêm chiến thuật "vườn không nhà trống" của Đại tướng Trần Hưng Đạo khiến cho những chiến binh phương Bắc của Ngột Lương Hợp Thai hay Toa Đô không thể chịu nổi mà rút lui. 
Trận chiến cứu cả thế giới Hồi giáo "chấn động" lịch sử 2

Sang đến thời kỳ này, quân đội Mông Cổ đã "lai tạp" rất nhiều, không còn giống như thời Thành Cát Tư Hãn vẫn còn làm Đại Hãn nữa và tất nhiên, họ yếu hơn nhiều so với giai đoạn trước. Còn nếu Thần Phong không xuất hiện và hủy diệt đội quân viễn chinh Mông Cổ tại Nhật Bản thì biết đâu mọi chuyện đã rất khác.
Đội quân duy nhất đánh bại Mông Cổ “một đấu một”
Chỉ có duy nhất một đội quân chiến thắng người Mông Cổ ở địa hình bằng phẳng, đấu “1 đối 1”, ngay trong giai đoạn họ đạt "phong độ đỉnh cao" ngang tài ngang sức mà giành chiến thắng. Chiến thắng của họ không chỉ cứu một nước khỏi họa diệt vong và nô lệ mà còn cứu cả thế giới đạo Hồi vào thời điểm đó. Đó là trận Ain Jalut năm 1260.
Mông Kha lên ngôi Đại Hãn Mông Cổ năm 1251 và ngay lập tức chỉ định Húc Liệt Ngột, người anh em của mình làm thống lĩnh quân đội viễn chinh các nước Hồi giáo. 
Trận chiến cứu cả thế giới Hồi giáo "chấn động" lịch sử 3
Tôn chỉ của Mông Kha là hủy diệt tất cả những kẻ chống đối, kẻ nào hàng thì tha. Thành Baghdad sụp đổ dưới chân quân Mông Cổ, 50.000 quân của vương quốc 500 tuổi Abbasid bị tàn sát không còn ai. Lúc đó, cả thế giới đạo Hồi "rung chuyển" trước vó ngựa Mông Cổ. 
Năm 1260, lần lượt Aleppo, Syria chịu số phận giống như Baghdad, còn Damascus, Nablus và Gaza mở cửa thành đầu hàng quân Mông Cổ. Duy chỉ có Quốc vương của Mamluk Sultanate (Ai Cập) Qutuz là trường hợp ngoại lệ…
Trận chiến cứu cả thế giới Hồi giáo "chấn động" lịch sử 4
Mông Cổ chinh phục Tây Hạ.
Đầu năm 1260, Húc Liệt Ngột cho sứ giả đến gặp Qutuz gửi cho Quốc vương một bức thư đầy mùi hăm dọa:
“Từ Vua của các vị Vua phía Đông và Tây, Đại Hãn gửi tới Qutuz, kẻ bỏ chạy để thoát khỏi lưỡi gươm của chúng ta. Ngươi nên nghĩ về kết cục của những nước khác và đầu hàng chúng ta đi. Ngươi đã nghe cách mà chúng ta chinh phục một đế chế rộng mênh mông và thanh tẩy mặt đất khỏi những thứ ô uế rồi đó. Chúng ta đã chinh phục những vùng đất rộng lớn, tàn sát tất cả mọi người. Ngươi không thể thoát khỏi sự kinh hoàng của quân đội chúng ta đâu. Ngươi chạy đi đâu? Người sẽ chạy trên con đường nào để thoát? Ngựa của chúng ta nhanh, tên của chúng ta sắc bén, lưỡi gươm của chúng ta như sét đánh, trái tim chúng ta cứng như núi đá, quân của chúng ta đông như cát. Nước mắt hay sự ủy mị không lay động được chúng ta. Chỉ có những kẻ cầu xin chúng ta che chở mới được an toàn. Trả lời nhanh lên trước khi ngọn lửa chiến tranh bùng lên. Chống cự và ngươi sẽ chịu số phận thảm khốc nhất. Chúng ta sẽ đập bỏ những đền thờ, lôi ra sự yếu hèn từ Chúa của các người và sau đó, sẽ giết cả người già, trẻ nhỏ. Hiện tại, ngươi là kẻ thù duy nhất chúng ta sẽ phải chinh phục mà thôi”.
Trận chiến cứu cả thế giới Hồi giáo "chấn động" lịch sử 5
Một bức vẽ kể lại cuộc xâm lăng của người Mông Cổ tới các nước Hồi giáo.
Qutuz phân vân một lúc và bỏ vào trướng trong cùng các tướng lĩnh Mamluk, để lại sứ giả Mông Cổ với nụ cười mỉm trên môi. Qutuz thừa nhận rằng, quân đội của ông chẳng là gì so với Mông Cổ, các tướng lĩnh cũng đồng tình như vậy nhưng đột ngột, vị Quốc vương dũng cảm nói: “Ai Cập cần một chiến binh làm vua. Nếu không ai theo, một mình ta sẽ đi và đương đầu với quân Tatars”
Qutuz gầm lên một tiếng, cho quân lính bắt giữ sứ thần Mông Cổ, ra lệnh chém ngang lưng, cắt đầu và treo lên cổng Zuwila tại Cairo. Với người Mông Cổ, sứ thần là nhân vật được tôn trọng và đối xử rất tốt cho dù 2 nước có đang chiến tranh, hành động này của Qutuz là không thể tha thứ được. Do đó, quyết định về cuộc chiến tranh giữa Mamluk Sultanate và Mông Cổ đã được định đoạt.
Trận chiến cứu cả thế giới Hồi giáo "chấn động" lịch sử 6
Cùng lúc đó, Đại Hãn Mông Kha qua đời trong khi đang tiến hành chiến tranh với nhà Tống, theo quy định, tất cả phải quay về Mông Cổ để bầu chọn Đại Hãn mới. Điều đó khiến cho Húc Liệt Ngột phải rút phần lớn quân đội của mình (khoảng gần 30 vạn quân) trở về. 
Ông chỉ để lại 20 nghìn quân do tướng lĩnh số 1 của ông lúc đó - Khiếp Đích Bất Hoa nắm giữ. Bởi theo ông, mảnh đất Hồi giáo đã hoàn toàn bị khuất phục dưới vó ngựa Mông Cổ rồi.
Trận chiến cứu cả thế giới Hồi giáo "chấn động" lịch sử 7
Bức vẽ mô tả lại trận Ain Jalut.
Tuy nhiên đó lại là sai lầm lớn nhất cuộc đời của Húc Liệt Ngột. Điều này để lại một vết nhơ trong lịch sử bất bại vô địch của người Mông Cổ, khiến cho muôn đời sau, mảnh đất Hồi giáo được bình yên, hình thành nên những Đế chế xưng bá cả châu Âu như nhà Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ. 
Cho dù không tận diệt được Hồi giáo thì những ảnh hưởng của người Mông Cổ khi cai trị vùng đất này khiến lịch sử thay đổi rất nhiều. Đế chế Mông Cổ thống trị tốt đến nỗi sử sách ghi lại rằng: “Một trinh nữ trần truồng đầu đội một hũ vàng có thể đi bộ từ Damascus tới Karakorum mà không bị làm hại”. Người Mông Cổ lúc đó chỉ coi thế giới bao gồm 2 phần “Những kẻ bị thống trị” và “Những kẻ chưa bị thống trị”.
Trận chiến cứu cả thế giới Hồi giáo "chấn động" lịch sử 8
Trận Ain Jalut - chiến thắng của các kỵ binh Mamluk
Ngày 3/9/1260, Khiếp Đích Bất Hoa dẫn 20.000 quân Mông Cổ về phía Tây, vượt qua Jordan tiến về ngọn đồi cao hướng xuống bình nguyên Esdraelon. Cùng lúc đó, 20.000 quân Mamluk do Qutuz chỉ huy thiết lập thế trận tại Ain Jalut (cái tên này có nghĩa là Dòng Suối của Goliath, ám chỉ sự thất bại của gã khổng lồ Goliath trước chú bé David, cũng giống như Đế chế Mông Cổ trước quân Mamluk).
Quân Mamluk bước vào trận chiến chỉ với duy nhất một suy nghĩ mà Qutuz đã nói trước khi giao chiến “Hoặc là các ngươi chiến thắng hoặc là các ngươi và gia đình ngươi sẽ chết thảm khốc”. Điều đó khiến cho quân Mamluk trở nên mạnh mẽ hơn vì họ biết, không còn đường lùi nữa trước kẻ thù chưa bao giờ biết tới thất bại trước mặt.
Trận chiến cứu cả thế giới Hồi giáo "chấn động" lịch sử 9
Bức vẽ một chiến binh Mamluk.
Baibars - tướng lĩnh của Qutuz xua quân đánh trực diện với quân của Khiếp Đích Bất Hoa ngay tại Ain Jalut. Tưởng rằng đó là toàn bộ quân Mamluk, vị tướng Mông Cổ tự mình dẫn quân đánh thẳng. Baibars đột ngột rút lui và quân Mông Cổ thừa thắng xông lên. Tiếc thay, người Mông Cổ lại rơi vào cái cái bẫy mà chính họ rất hay sử dụng: Giả vờ thua trận. 
Khi đến vùng trũng, Qutuz ra lệnh cho đội kỵ binh Mamluk tấn công vào cánh của quân Mông Cổ. Đến lúc này, trận chiến mới thực sự bắt đầu. Khiếp Đích Bất Hoa là một tướng tài, ông không dễ dàng bị lung lay vì cuộc tấn công bất ngờ đó, ngay lập tức ông chỉ huy một đạo kỵ binh khác vòng sang tấn công cánh trái của quân Mamluk, gần như xé nát cánh này nếu như không có sự xuất hiện của Qutuz. 
Trận chiến cứu cả thế giới Hồi giáo "chấn động" lịch sử 10
Vị quốc vương đáng kính vứt bỏ mũ xuống đất và hô lớn 3 tiếng “Ôi đạo Hồi ơi”, điều kỳ diệu đã xảy ra, cánh trái của quân Mamluk bỗng dưng trở nên sắt đá lạ thường. Ngay sau đó, Qutuz tự mình thống lĩnh đội kỵ binh phá tan nát cánh quân Mông Cổ này.
Đối diện với thất bại khó tin ngay trên chiến trường trực diện - nơi chưa bao giờ Mông Cổ thất bại, Khiếp Đích Bất Hoa vẫn bình tĩnh lạ thường. Khi người hầu cận của ông khuyên bỏ chạy, vị tướng này đã nói:“Chúng ta sẽ chết ở đây và như thế là hết. Chúc Đại Hãn trường thọ an vui”
Khiếp Đích Bất Hoa chiến đấu tới cùng cho đến khi bị một mũi tên bắn trúng ngựa và ngã xuống đất. Giữa trận chiến, người ta bắt sống ông và giải đến trước Qutuz.
Trận chiến cứu cả thế giới Hồi giáo "chấn động" lịch sử 11
Mất đi thủ lĩnh, quân Mông Cổ như rắn mất đầu và dần dần bị đánh tan tác. Khiếp Đích Bất Hoa bị xử trảm và treo đầu lên cổng thành Cairo, đánh dấu chiến thắng quân Mông Cổ của Ai Cập.
Vì đâu Mông Cổ bách chiến bách thắng thất bại?
Tại sao quân Mamluk có thể đánh ngang sức với quân Mông Cổ, tại sao các kỵ binh nặng Hồi giáo chưa bao giờ đánh tay đôi ngang với kỵ binh Mông Cổ chứ đừng nói chiến thắng lại có thể áp đảo tại Ain Jalut? Tại sao những mũi tên vô địch của Mông Cổ không thể đánh bại quân Mamluk? Đó có thể là bởi:
Ý chí chiến đấu: trận Bối Thủy của Hàn Tín từng cho thấy khi một người lính rơi vào tình cảnh không thể quay đầu, anh ta sẽ có sức 1 địch 10. Trong trường hợp này, người Mamluk không thể bỏ chạy, họ chỉ có thể chiến đấu hoặc là chết. Trong khi đó, quân Mông Cổ lại đang mang tư tưởng bất bại và là kẻ xâm lược.
Trang bị của Mông Cổ cực tốt nhưng quân Mamluk cũng không hề thua kém. Giáp Mông Cổ tốt, giáp Mamluk còn bền hơn thế. Người Mông Cổ cưỡi ngựa bắn tên xa cực tốt, quân Mamluk bắn tên không xa bằng nhưng họ bắn cực nhanh (sử sách ghi lại rằng một chiến binh Mamluk có thể bắn 3 mũi tên trong 1 giây rưỡi). Cả hai bên đều sống trên lưng ngựa từ bé. Khi còn là một đứa trẻ, các chiến binh đã học cách cưỡi ngựa và chiến đấu/bắn cung trên lưng ngựa.
Rõ ràng xét về binh lực đây là một trận chiến ngang tài ngang sức. Và bên có ý chí chiến đấu tốt hơn đã giành chiến thắng.
Trận chiến cứu cả thế giới Hồi giáo "chấn động" lịch sử 12
Chiến thắng của quân Ai Cập đã khiến cho Mông Cổ mãi bao nhiêu năm sau đó vẫn không thể thâm nhập sâu hơn vào vùng đất Hồi giáo. Sau sự kiện Đại Hãn Mông Kha chết, Đế chế Mông Cổ không còn là một khối thống nhất, dẫn đến việc họ không thể tập trung vào sự nghiệp chinh phạt như trước. 
Có thể nói, chiến thắng Ain Jalut đã thay đổi toàn bộ lịch sử thế giới, mà có thể, ảnh hưởng đến tận chiến sự Trung Đông ngày nay.
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Strategy Page, Alternate History, Saudi Aramco World, Wikipedia...
Nguồn Kenh14.vn